(HNM) - Có người mới ra đảo, có người đã công tác cả chục năm trong số hơn 200 người con Hà Nội đang làm nhiệm vụ tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1. Giữa nơi đầu sóng họ luôn xác định
Người Hà Nội dựng xây quê hương thứ hai
Dưới tán những cây bàng vuông, cây tra xanh mướt giữa cái nắng như giội lửa xuống đảo, chàng trai Lê Xuân Thọ, quê ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì - một người con Hà Nội đang công tác tại đảo Sơn Ca cho biết, anh là người tình nguyện viết đơn nhập ngũ, xung phong ra đảo. "Đã tình nguyện ra đảo thì phải sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đảo, bảo vệ đất nước" - câu nói đầy khí phách của chàng trai Thủ đô 22 tuổi vang lên giữa tiếng sóng biển khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
Thiếu úy Nguyễn Văn Thắng (bên phải) và Trung sĩ Hoàng Anh Phương theo dõi tin tức về Thủ đô. |
Còn chiến sĩ Hoàng Anh Phương, quê ở huyện Thanh Oai, dù mới ra công tác ở đảo Sơn Ca được 5 tháng nhưng đã khẳng định được bản lĩnh chiến sĩ trẻ nơi đầu sóng, luôn hoàn thành nhiệm vụ. Chiến sĩ Hoàng Anh Phương chia sẻ, nơi đảo xa, cầu nối giữa anh và gia đình chủ yếu qua những phút gọi điện cùng những cánh thư vượt muôn nghìn sóng gió. Thư nhà gửi ra đảo cho Phương biết, tấm ảnh của anh trong bộ quân phục Hải quân nhân dân Việt Nam được em trai 10 tuổi thường xuyên ngắm nhìn. Cậu bé dù nhỏ tuổi nhưng đã yêu màu xanh của biển trời, màu trắng của những ngọn sóng. “Trong những lần gọi điện về nhà, em tôi lúc nào cũng nói, lớn lên sẽ làm chiến sĩ Hải quân” - Phương xúc động kể.
So với đồng đội cùng trang lứa trên đảo Sinh Tồn Đông, chiến sĩ người Hà Nội Đỗ Đình Biên có nét thư sinh, trắng trẻo hơn hẳn. Chàng trai khiến chúng tôi bất ngờ khi anh là một “cây” văn nghệ của đảo. Biên thuộc nhiều bài hát về biển đảo, về Hải quân nhân dân Việt Nam. Song ca cùng một đồng đội khi giao lưu với đoàn công tác, Biên đã thể hiện ca khúc bằng cả trái tim. Chúng tôi nhận ra chàng trai có nét thư sinh này trưởng thành hơn so với vẻ bề ngoài. Khoác vai một chiến sĩ quê ở TP Hồ Chí Minh, Biên nói: "Dù đến từ mọi miền của đất nước, nhưng anh em trên đảo là một gia đình, sát cánh bên nhau đồng lòng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và Trường Sa đã trở thành quê hương thứ hai của em và đồng đội”.
Đảo Song Tử Tây hôm nay căng đầy sức sống mới. Đón chúng tôi trên cầu tàu, Thiếu tá Phạm Văn Mịch, Đội phó Đội Dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân đỡ từng người lên đảo bằng đôi tay rắn rỏi như bao chiến sĩ Trường Sa. Thiếu tá Phạm Văn Mịch, quê ở quận Bắc Từ Liêm, là một trong 9 người Hà Nội đang công tác tại đảo Song Tử Tây. Anh phụ trách kỹ thuật, cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, hướng dẫn tàu của ngư dân vào nơi tránh trú bão, bảo đảm cho người dân đánh bắt xa bờ thuận lợi. Qua 15 tháng công tác tại đảo, anh Mịch đã quen với vị mặn mòi của biển cả, yên tâm thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó.
Phát huy truyền thống Thủ đô Anh hùng
Không chỉ với cán bộ, ngay các chiến sĩ trẻ người Hà Nội ở các điểm đảo luôn ý thức rõ niềm vinh dự tự hào và trách nhiệm của mình trong việc phát huy truyền thống Thủ đô Anh hùng. Và đã có nhiều tấm gương người Hà Nội tiêu biểu ở nơi đầu sóng.
Trong đó, Đại úy Đỗ Văn Hải, quê ở huyện Đan Phượng là người đặc biệt trong những cán bộ, chiến sĩ Hà Nội chúng tôi gặp ở quần đảo Trường Sa. Anh đã có quá trình công tác 14 năm tại các đảo: Phan Vinh, Trường Sa Đông, Sơn Ca, Trường Sa Lớn, An Bang và hiện tại là đảo Nam Yết. Anh Hải cho biết, từ khi bắt đầu công tác tại đảo, không chỉ riêng anh mà tất cả cán bộ, chiến sĩ đều đã xác định tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao phó. "Chúng tôi vinh dự được trực tiếp làm nhiệm vụ ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, thực sự là những cột mốc sống trên biển để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, xứng đáng là người con Thủ đô” - anh Hải chia sẻ.
Thiếu úy Nguyễn Văn Thắng, quê huyện Phú Xuyên công tác tại đảo Sơn Ca cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự sẻ chia của đất liền, cuộc sống ở các đảo tiền tiêu đang đổi thay từng ngày. Đời sống của quân và dân trên đảo ngày càng được cải thiện. “Cá nhân tôi và những đồng đội quê Hà Nội tự hào được ra đảo công tác và luôn cố gắng hết sức mình để thực hiện đúng tinh thần: "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” - Thiếu úy Thắng khẳng định.
Thượng tá Nguyễn Đăng Ngọc, Chính trị viên đảo Song Tử Tây nhận xét, cán bộ, chiến sĩ Hà Nội đang công tác tại đảo đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Có nhiều đồng chí trẻ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được kết nạp Đảng. Trong công tác và sinh hoạt hằng ngày, các cán bộ, chiến sĩ luôn hòa đồng và gắn kết với nhân dân trên đảo, là tấm gương cho các cán bộ, chiến sĩ khác noi theo. Còn Trung tá Phạm Quang Thọ, Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết, cán bộ, chiến sĩ Hà Nội tại đảo luôn phát huy truyền thống của quê hương, đoàn kết, giúp đỡ nhau thực hiện nhiệm vụ với một ý chí và quyết tâm cao nhất.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Chính những nét thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội đã tạo nên bản lĩnh của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Luôn giản dị, hiền hòa, nhường nhịn trong sinh hoạt đời thường nhưng cũng vô cùng dũng cảm, cương quyết trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thời gian, cùng với bản lĩnh giúp những cán bộ, chiến sĩ Hà Nội làm nhiệm vụ ở các điểm đảo được tôi luyện, ngày càng trưởng thành hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó". Lời Người luôn vang trên đầu ngọn sóng, ngấm vào trái tim, khối óc của mỗi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, trong đó có những người con Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.