Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người chỉ huy gần gũi và thân thuộc

Nguyên Hoa| 11/10/2013 06:01

(HNM) - Nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, các cựu chiến binh (CCB) của Trung đoàn Thủ đô Anh hùng năm xưa không khỏi bàng hoàng, xúc động và bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với vị tướng tài ba của dân tộc.


Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn Thủ Đô Anh hùng biết tin Đại tướng mất đã mấy ngày nay nhưng ông vẫn cảm thấy thảng thốt, nghẹn ngào. Ông nói: "Cuối tháng 12-1946, Trung đoàn của chúng tôi được giao nhiệm vụ kìm chân Pháp ở Hà Nội càng lâu càng tốt để nhân dân cả nước có thời gian chuyển từ thời bình sang thời chiến. Ban đầu chúng tôi chỉ xác định giữ chân địch trong vòng 1 tháng. Nhưng dưới sự Tổng chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ được Hà Nội trong 60 ngày đêm và được Bác Hồ gửi thư khen ngợi". Sự tài tình trong chỉ huy, sự gần gũi, sâu sát bộ đội, đặc biệt là quan điểm "tránh càng ít thương vong cho chiến sỹ càng tốt" của Đại tướng đã tạo niềm tin để những người vệ quốc đoàn như ông chiến đấu quên mình "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các cựu chiến binh. Ảnh: Viết Thành


60 ngày đêm Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tổng chỉ huy Trung đoàn đã làm nên cuộc chiến đấu thần kỳ. Từ chiến thắng này, Trung đoàn Thủ đô được Đại tướng đưa vào đơn vị chủ công của Đại đoàn quân tiên phong và có mặt trên khắp các chiến trường chính, chiến trường trọng điểm.

Đại tá Nguyễn Huy Du, chiến sỹ cảm tử quân của Trung đoàn Thủ đô Anh hùng năm xưa đến tận lúc này vẫn chưa hết bàng hoàng, xúc động. Ông kể: "Tôi nghe đứa cháu nội đang học cấp hai đọc tin trên báo mạng thông báo là Đại tướng đã qua đời nhưng không tin nên đã bắt cháu mở báo ra chỉ cho tôi xem. Lúc ấy tôi mới tin rằng sự ra đi của Đại tướng là sự thật…". Ngày ấy, tham gia đội quân cảm tử quyết chiến để bảo vệ Thủ đô, ông là cậu học sinh vừa tròn 16 tuổi, được giao nhiệm vụ cùng đồng đội bảo vệ các khu phố cổ của Hà Nội mà cụ thể là ở phía thành Cửa Đông, chặn Pháp để chúng không đánh ra phía ngoài. Sau 60 ngày đêm chiến đấu, đêm 17-2-1946, Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút khỏi Hà Nội. "Tôi còn nhớ, đêm đó trên đường rút lui từ nội thành ra đến làng Thượng Hội (Đan Phượng), tức là cách Hà Nội khoảng 20 cây số, từ Bộ Tổng chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đón chúng tôi. Đó là lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn vị Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy đơn vị mình, gần gũi và rất thân mật. Ông đã thăm hỏi, căn dặn chúng tôi rất nhiều, một cảm xúc dâng trào rất khó tả mà đến tận bây giờ không thể nào quên. Sau này, khi về Bộ Tổng tham mưu công tác, đôi lần tôi được gặp lại Đại tướng và vẫn rất ấn tượng trước thái độ ân cần, quan tâm đến cấp dưới của Đại tướng". Hòa bình lập lại, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Trung đoàn, anh em cảm tử quân Hà Nội năm xưa đều tổ chức gặp mặt và mời Đại tướng tham dự. Năm 1996, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trung đoàn Thủ đô, Đại tá Nguyễn Huy Du một lần nữa vinh dự được cử lên tặng hoa Đại tướng. "Khi đó tôi đã ngoài 60 tuổi và mang quân hàm Đại tá, anh Văn đã hỏi tôi "Anh cũng là cảm tử của Trung đoàn Thủ đô?", sự quan tâm đó khiến tôi rất vui và tự hào. Bức ảnh anh Văn ôm tôi hôm đó vẫn được treo trang trọng tại nhà để nhớ về một vị tướng tài ba của dân tộc mà tôi đã vinh dự được vài lần gặp mặt" - Đại tá Nguyễn Huy Du tâm sự.

Trung đoàn Thủ đô là con đẻ của nhân dân Thủ đô, là đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội cách nay đã gần bảy chục năm nhưng với các CCB của Trung đoàn, hình ảnh vị Đại tướng tổng chỉ huy đơn vị làm nên chiến công thần kỳ đến nay vẫn chưa phai nhạt trong tâm trí họ. Trong lòng mỗi CCB chứa đựng những cảm xúc khác nhau dành cho vị Đại tướng tài ba đã đi vào lịch sử hiện đại của dân tộc. Những câu chuyện, hình ảnh về Đại tướng và 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội sẽ mãi được các CCB Trung đoàn Thủ đô Anh hùng lưu truyền để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

(HNM) - Chiều 10-10, Ban Biên tập ảnh (TTXVN) đã cho trưng bày hơn 40 bức ảnh về sự nghiệp và cuộc sống đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại sảnh trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Đây là những bức ảnh được lấy từ kho tư liệu ảnh của TTXVN do phóng viên Ban Biên tập ảnh thực hiện. Những bức ảnh ghi lại nhiều thời khắc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp và cuộc đời của Đại tướng. Trưng bày diễn ra đến hết ngày 13-10.

* Ngày 10-10, Ga Hà Nội cho biết: Để phục vụ hành khách đi lại và dự lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội quyết định giảm 20% giá vé tàu SE19 và SE20 cho hành khách đi từ các ga đến ga Đồng Hới và ngược lại trong các ngày từ 11 đến 14-10.

* Chuẩn bị cho lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 12 và 13-10, Công ty Vinaphone đã nâng cấp đường truyền để bảo đảm khả năng lưu thoát của các khu vực diễn ra lễ tang; nâng cấp thiết bị dự phòng và năng lực xử lý tăng 2 lần các tổng đài, 25 trạm phát sóng 2G và 3G ở các khu vực diễn ra lễ truy điệu và an táng. Công ty cũng điều 5 xe phát sóng di động tới khu Nhà Lưu niệm Đại tướng, UBND tỉnh Quảng Bình, khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến. Các xe phát sóng lưu động tại miền Bắc cũng sẵn sàng khi có lệnh điều động vào bổ trợ… nhằm sẵn sàng bảo đảm liên lạc thông suốt.

Nhóm phóng viên
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người chỉ huy gần gũi và thân thuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.