Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người bạn đồng hành, tin cậy của nhà nông

Quỳnh Dung| 17/04/2023 07:12

(HNM) - Trong 30 năm qua, hệ thống khuyến nông của thành phố Hà Nội đã làm tốt sứ mệnh là người bạn đồng hành, tin cậy của nhà nông, tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, hỗ trợ nông dân về vốn, cây, con giống... để hình thành những mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại.

Mô hình nho hạ đen do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ triển khai đã cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc

- Trong 30 năm qua, khuyến nông Hà Nội được thực hiện theo định hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp của Trung ương, thành phố như thế nào, thưa ông?

- Ngày 7-11-2008, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 1902/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Khuyến nông Hà Tây và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội.

Trung tâm Khuyến nông Hà Tây (cũ), trong 15 năm đầu trước khi hợp nhất đã triển khai chương trình “Sản xuất giống lúa nhân dân”, tạo ra hàng vạn tấn giống bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng đưa vào sản xuất, đáp ứng trên 80% lượng giống cấp 1 cho sản xuất đại trà trong toàn tỉnh. Chương trình “Sind hóa đàn bò”, “Nạc hóa đàn lợn” cùng với việc mở rộng diện tích trồng cây đậu tương vụ đông, sản xuất rau an toàn, cây ăn quả, thâm canh thủy sản, lúa - cá...

Còn Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (cũ) trong giai đoạn này đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, tập trung vào mũi nhọn 3 cây (rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, các loại hoa chất lượng cao); 3 con (lợn hướng nạc, bò sữa, bò thịt và các loại thủy đặc sản); 2 ngành nghề trọng điểm (bảo quản, chế biến nông sản và ngành nghề nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp bền vững).

Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, trong đó công tác xây dựng mô hình hướng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng để phát triển sản xuất theo hướng bền vững, xóa đói giảm nghèo; thực hiện tốt tiêu chí số 10 và 13 trong bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

- Trung tâm Khuyến nông là “cầu nối” đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống đến với nông dân. Vậy, hiệu quả của các chương trình khuyến nông thời gian qua như thế nào?

- Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã và đang đẩy mạnh xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao. Từ 2008 đến nay, đã tổ chức được 3.952 lớp tập huấn thời vụ cho 216.000 lượt người là nông dân để chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là đơn vị duy nhất trong cả nước có hoạt động Quỹ Khuyến nông. Trong 20 năm hoạt động (2002-2022), quỹ đã giải ngân cho 4.332 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là 925,236 tỷ đồng...

- Có thể nói, công tác khuyến nông đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn những khó khăn, vướng mắc như thế nào, thưa ông?

- Trong 30 năm qua, khuyến nông Hà Nội đã góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn mới Hà Nội. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi thời vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội phát triển, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông, lâm, thủy sản và giá trị GDP của ngành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến nông còn những khó khăn, như: Địa bàn hoạt động khuyến nông rộng, nhu cầu đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn lớn, đa dạng, trong khi đó nguồn kinh phí có hạn, nhiều chính sách về nông nghiệp, nông thôn còn chưa đồng bộ. Đặc biệt, thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao; khâu kết nối thị trường nông sản chưa ổn định, dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng mô hình khuyến nông.

- Để đáp ứng với yêu cầu mới, theo ông, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cần phải có những giải pháp gì?

- Trước hết, cần phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận, từ khuyến nông giữ vai trò “hỗ trợ”, sang khuyến nông giữ vai trò “kết nối” (kết nối giữa khoa học, công nghệ và sản xuất, kết nối giữa sản xuất và thị trường). Theo đó, Trung tâm Khuyến nông cần phối hợp, lồng ghép các hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ các mô hình tốt, cách làm hay kết hợp với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thông tin, tuyên truyền để lan tỏa và nhân rộng ra sản xuất một cách bền vững. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông cần được trang bị bổ sung những kỹ năng công nghệ thông tin; kiến thức về liên kết sản xuất, thị trường, hội nhập, biến đổi khí hậu…

Hơn nữa, cần xây dựng mô hình khuyến nông đa giá trị, là mô hình gắn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác xã, nâng cao giá trị sản phẩm, tiếp cận thị trường theo chuỗi liên kết tổ chức lại sản xuất, liên kết doanh nghiệp. Cùng với đó, cần phát huy vai trò khuyến nông là “cầu nối”, tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao; tổ chức tập huấn, tham quan, giúp nông dân tiếp cận và vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người bạn đồng hành, tin cậy của nhà nông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.