Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngược xuôi văn nghệ: Đưa nét Việt vào văn học dịch

Người Lái Đò| 27/11/2022 07:44

(HNM) - Cuốn sách “Chàng Kẹp Hạt Dẻ và vua Chuột” - tác phẩm của nhà văn lỗi lạc người Đức E.T.A Hoffmann sáng tác năm 1816 dành cho các em nhỏ nhân dịp Giáng sinh, với phiên bản mới nhất của thương hiệu sách thiếu nhi Crabit Kidbooks và Nhà Xuất bản Hà Nội, tạo hứng thú với bản dịch sinh động cho độc giả Việt Nam.

Tác phẩm “Chàng Kẹp Hạt Dẻ và vua Chuột” rất quen thuộc với các thế hệ độc giả trên thế giới và có nhiều bản dịch với ngôn ngữ khác nhau. Ấn phẩm tiếng Việt lần này khác biệt với bản dịch sáng tạo của dịch giả Nhật Vương. Dịch giả đã chuyển nhiều đoạn thơ từ bản gốc tiếng Đức sang thể thơ lục bát gần gũi.

“Khi đến với các tác phẩm cổ điển, tôi luôn muốn đem lại đóng góp mới mẻ, đồng thời mang một chút hơi thở bản địa. Bởi vậy, thể thơ lục bát luôn được tôi lựa chọn để chuyển ngữ những đoạn thơ hay câu nói có vần điệu trong văn bản gốc. Hơn nữa, đây cũng là thể thơ phổ biến với người Việt, dễ thuộc, dễ nhớ với cả trẻ em. Tôi muốn các độc giả nhỏ tuổi dù đang sinh sống ở Việt Nam hay nước ngoài đều nhớ về một thể thơ mang hồn Việt khi đọc sách”, dịch giả Nhật Vương chia sẻ.

Dịch thuật là công việc đầy thách thức. Dịch văn chương càng không thể máy móc “một - một”, rất khó chuyển được cái hay của nguyên tác sang tiếng Việt. Thành công trước đây có dịch giả Lý Lan trong bản dịch bộ truyện “Harry Potter” khi sáng tạo riêng cụm từ “Trường sinh linh giá” để thay cho từ gốc “Horcrux” không có trong từ điển tiếng Việt. Dịch giả Lê Bá Thự dịch một tác phẩm của nhà văn nữ gốc Ba Lan thành “Xin cạch đàn ông” với từ “cạch” thuần Việt, đời thường và đúng lối viết của tác giả…

Người dịch tốt không chỉ giỏi ngoại ngữ mà cần “bắc nhịp cầu” văn hóa phù hợp. Đưa nét Việt vào văn học dịch là điều đáng khuyến khích, đòi hỏi đội ngũ dịch giả Việt Nam tâm huyết, dấn thân và am hiểu hơn nữa về tiếng Việt, văn hóa Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngược xuôi văn nghệ: Đưa nét Việt vào văn học dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.