(HNM) - Thông tin mới nhất, cho đến tối 9-2, hàng nghìn chiếc xe chở trái cây vẫn "kẹt cứng" tại cửa khẩu Tân Thanh. Dù các cơ quan chức năng đã tăng ca, tăng giờ làm việc để tạo điều kiện tối đa cho việc thông quan, xuất khẩu, song dường như những nỗ lực ấy chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ. Cũng như nhiều năm trước, tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu lại tái diễn và ngày càng đáng lo ngại hơn.
Nhìn vào đoàn xe tải đang bị dồn ứ tại Tân Thanh không biết đến bao giờ mới được giải tỏa hết có thể cảm nhận rất nhiều điều, và cũng đặt ra nhiều vấn đề. Tình trạng này đã xảy ra từ nửa tháng qua, nhưng dòng xe vẫn cứ nối đuôi nhau ngược lên phía Bắc. Dù rất mệt mỏi nhưng đưa hàng qua biên giới xem ra vẫn là cách được nhiều chủ hàng lựa chọn. Vẫn biết việc đưa những xe trái cây lên cửa khẩu rồi mặc cả với người Trung Quốc là bấp bênh, thậm chí như một canh bạc, nhưng vẫn phải liều.
Lâu nay, chúng ta đã nói nhiều, bàn nhiều về việc "tìm lối đi cho xuất khẩu nông sản", tức là tìm đầu ra cho loại hàng hóa này. Nhưng tình trạng ứ hàng ở cửa khẩu theo kiểu "đến hẹn lại lên" cho thấy lối thoát vẫn ở đâu đó rất xa. Nông sản trồng ra, bán không được, xuất khẩu cũng không xong. Vậy là công sức của những người nông dân một nắng hai sương trồng ra những quả ngọt đã thu về "trái đắng". Đáng buồn là năm nào cũng xảy ra tình trạng này, nhưng năm nào cũng vậy, chỉ thấy rộ lên bàn luận rồi đâu lại vào đấy. Cũng đã có lần, Bộ trưởng Bộ Công thương nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc để xảy ra tình trạng nông sản "tắc" ở cửa khẩu. Song, có lẽ chỉ một Bộ Công thương nhận trách nhiệm sẽ không đủ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao người dân biết mười mươi rằng ồ ạt đưa trái cây lên cửa khẩu sẽ vô cùng rủi ro mà họ vẫn phải chấp nhận? Lẽ dĩ nhiên, nếu nguồn cung không "dồi dào quá mức", nếu như việc trồng trọt được định hướng rõ ràng, nếu thị trường trong nước được điều tiết hợp lý... thì hẳn đã không có chuyện năm nào cũng phải nghe "điệp khúc buồn ở Tân Thanh". Và cũng có thể thấy là tất cả chữ "nếu" nói trên đều không phải là quá khó giải quyết. Vấn đề là các bộ, ngành liên quan cần phải có những động thái rốt ráo. Ngay từ khâu sản xuất đã cần phải có hoạch định, trồng cây gì, bán cho ai? Còn đầu ra, dù ở trong nước hay xuất khẩu cũng cần có chiến lược dài hơi. Ngay thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ còn là một thị trường tiềm năng lâu dài. Nhưng năm nào cũng xảy ra tình trạng tắc ứ là bởi chúng ta vẫn cứ quẩn quanh với những giải pháp tình thế và khi chuyện xảy ra mới lo tháo gỡ.
Xét cho cùng, cái "điệp khúc buồn" năm nào cũng cất lên ở Tân Thanh không hẳn là lỗi của nông dân trồng ra cây trái, dù họ lại chính là những người gánh hậu quả, chịu nhiều thiệt thòi. Lỗi lớn nhất vẫn là chính sách, là trách nhiệm quản lý. Biết vậy, nhưng đến lúc này chưa ai có thể trả lời bao giờ dòng xe đang nối đuôi nhau ở Tân Thanh được giải tỏa thì xem ra câu hỏi khi nào người dân thoát cảnh "ngọt, đắng do thị trường định đoạt" cũng còn lâu mới có lời giải đáp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.