Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ngộp thở” với trạm thu phí!

Hà Phạm| 31/12/2014 06:51

(HNM) - Sở GTVT vừa có tờ trình UBND TP Hồ Chí Minh xem xét thông qua phương án sắp xếp các trạm thu phí hoàn vốn các dự án giao thông trên địa bàn đến năm 2025. Nếu tờ trình được thông qua, sẽ có thêm 13 trạm thu phí mới đi vào hoạt động, qua đó nâng tổng số trạm thu phí tại TP Hồ Chí Minh

Xung quanh TP Hồ Chí Minh sắp tới dự kiến sẽ có 20 trạm thu phí đi vào hoạt động.



Theo tờ trình chờ phê duyệt của Sở GTVT thì lộ trình đến năm 2020, thành phố sẽ tăng thêm 6 trạm thu phí gồm: Cần Giờ (cao tốc Bến Lức - Long Thành); Củ Chi (quốc lộ 22); Hóc Môn (tỉnh lộ 15); nút giao Thủ Đức (đường Vành đai 3); Đại lộ Đông Tây (tuyến nối Đại lộ Đông Tây với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương); KCN Phú Hữu (tuyến nối KCN Phú Hữu với đường Nguyễn Duy Trinh). Đến năm 2025, sẽ có thêm 3 trạm gồm: Củ Chi (cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài); Gò Dưa (cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành); 5 trạm trên hệ thống đường trên cao gồm: 3 cổng thu phí (Cộng Hòa, Điện Biên Phủ, Ngô Tất Tố) thuộc tuyến số 1; 1 cổng thu (quốc lộ 1) thuộc tuyến số 2; Nguyễn Văn Linh thuộc tuyến số 3; quốc lộ 1 thuộc tuyến số 4; 2 cổng thu thuộc trạm 2 và An Lạc.

Trước thông tin này, ông Đỗ Xuân Phú (Công ty TNHH Vận tải Minh Liên, quận Bình Thạnh) cho rằng, với 7 trạm thu hiện hữu trên địa bàn, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã "ngộp thở". Điều đáng nói, nếu chiểu theo Thông tư 90 của Bộ Tài chính (quy định khoảng cách tối thiểu 70km/trạm) thì 7 trạm thu phí hiện hữu bố trí không đúng quy định. Cụ thể, trạm thu phí Nguyễn Văn Linh (quận 7, thời gian thu đến năm 2027) chỉ cách trạm thu phí cầu Phú Mỹ 9km và Chợ Đệm 18km; cầu Phú Mỹ (đường Vành đai phía Đông, đến năm 2036) cách trạm thu phí Xa lộ Hà Nội 8km; cầu Bình Triệu (quốc lộ 13, đến năm 2015) cách trạm thu phí gần nhất trên quốc lộ 13 hơn 9km; An Sương - An Lạc (quốc lộ 1, đến năm 2033) cách trạm thu phí cầu Đồng Nai hơn 34km; Xa lộ Hà Nội (cầu Rạch Chiếc đến hết năm 2018; tiếp tục hoàn vốn mở rộng Xa lộ Hà Nội 36 năm) cách trạm thu phí cầu Đồng Nai gần 14km; đường hầm sông Sài Gòn (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, chưa hoạt động) cách trạm thu phí Xa lộ Hà Nội 8km; Phú Hữu (đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào KCN Phú Hữu, chưa hoạt động) cách trạm Xa lộ Hà Nội khoảng 7km. Ông Đỗ Xuân Phú cho rằng, nếu thêm 13 trạm mới thì chẳng khác nào đưa doanh nghiệp vận tải đến ngõ cụt. Bởi tất cả các chi phí, từ xăng dầu, phí cầu đường, hao mòn, nhân lực lẫn các phí không tên khác đều được tính vào giá cước, giá vé.

Tương tự, Trưởng phòng Vận tải Công ty TNHH Giao nhận vận tải và thương mại Công Thành Trần Việt Hùng chỉ rõ, việc phân bố trạm thu dày đặc như vậy chẳng khác nào "phí chồng phí". "Nhà nước xây đường để người dân đi nên người dân đều phải có trách nhiệm đóng thuế. Thế nhưng nếu chất lượng đường xuống cấp mà vẫn tiến hành thu phí, vậy cơ quan chức năng giải quyết ra sao để thỏa đáng…!", ông Trần Việt Hùng băn khoăn.

Theo ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố, nếu chiểu theo Thông tư 90 của Bộ Tài chính thì đa số khoảng cách giữa các trạm thu phí hiện nay đều sai quy định. Giải pháp cho vấn đề này là đối với các trạm thu phí liền kề nên chăng thu xong trạm này rồi mới tiến hành thu trạm kia, để bảo đảm đúng quy định và quyền lợi cho doanh nghiệp vận tải.

"Thành phố nên cân nhắc xóa bỏ bớt các trạm thu phí BOT, bởi các dự án BOT đều có mức đầu tư cao, chất lượng thấp nên chủ đầu tư luôn đề xuất mức thu phí cao hơn thực tế. Để giải quyết vướng mắc, thành phố nên mua lại các trạm thu phí gần và đã hoàn vốn để tiến hành xóa bỏ", Tiến sĩ Phạm Sanh (nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa thành phố) hiến kế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ngộp thở” với trạm thu phí!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.