(HNMCT) - Ít ngày trước, ở một tòa nhà thuộc khu chung cư Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có chuyện người trẻ mở “nhạc đám ma” để phản ứng trước việc một nhóm người cao tuổi thường ngày gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe của họ và gia đình.
Chuyện này sau “lên báo”, được chia sẻ qua mạng xã hội, gây ý kiến qua lại ồn ào mà nếu quan tâm, bạn sẽ thấy được một phần quan điểm sống của nhiều người trong giai đoạn hiện nay. Và, có vẻ như sự nhận biết đó quan trọng hơn cả tính chất vụ việc vốn được coi là “khác lạ” với lối ứng xử truyền thống “kính già, yêu trẻ”.
Sau sự việc nói trên, rất nhiều người không đồng tình với cách phản ứng của người trẻ kia. Họ viết rằng, cho dù nhóm người cao tuổi thường xuyên gây ồn ào thì đó vẫn là cách “góp ý” không phù hợp với những người đáng tuổi cha mẹ mình. Thay vì mở nhạc “ỉ ôi” để "phá đám", cần trực tiếp góp ý để những người cao tuổi hiểu rõ nhu cầu và quyền được yên tĩnh của cộng đồng, từ đó điều chỉnh hành vi. Tất nhiên, cũng có nhiều người nói thẳng rằng nhóm người cao tuổi nói trên đã hành xử không đúng. “Các cụ nên nghĩ lại về việc mình làm để luôn là tấm gương sáng cho lớp trẻ” - một người viết trên mạng xã hội...
Câu chuyện trên cho thấy nhiều điều về cách ứng xử trong xã hội hiện đại. Điều đáng nói nhất là sự việc đã cho số đông cơ hội lên tiếng về một vấn đề thường bị coi nhẹ. Và, họ đã nói, đã phản ứng thay vì bỏ qua một việc làm không đúng của cả người trẻ và người cao tuổi chỉ vì một chữ “tình”. Lâu nay thường thấy, nhiều người có xu hướng im lặng trước những gì diễn ra khiến mình không hài lòng, giữ thái độ “dĩ hòa vi quý” để giữ “tình làng nghĩa xóm” dù cuộc sống riêng bị ảnh hưởng nặng nề.
Như những ngày này, ở khu vực gần Đầm Hồng thuộc quận Thanh Xuân, nhiều người biết tốp thợ đang thi công ngôi nhà cao tầng ở đây đổ trần tầng 1, 2 vào ban đêm, chưa kể thường xuyên gõ đập cưa xẻ vào lúc 10 - 11h đêm. Vô ý, vô pháp là thế nhưng hàng xóm lặng yên, phường hội không ý kiến, như thế tình nguyện âm ỉ nuốt nỗi bực bội vào lòng. Chuyện khá quen thuộc, cũng như khi nhà trên xóm dưới "gào thét" karaoke vào giờ nghỉ, không dễ thấy ý kiến phản đối cho đến khi ai đó vì kìm nén quá lâu sinh bộc phát, mang xăng sang đổ ở cửa nhà thường xuyên gây ồn ào...
Bởi những điều thường thấy nói trên, sự lên tiếng của cộng đồng qua mạng xã hội đối với hành vi của nhóm người cao tuổi gây ồn ào ở khu chung cư Linh Đàm mang ý nghĩa tích cực. Nó cho thấy ít nhiều chúng ta đã vượt qua rào cản tâm lý cá nhân để thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật. “Kính già” không mâu thuẫn với thái độ góp ý mang tính xây dựng với “các cụ” nhằm giúp cho cuộc sống của các bên yên lành hơn. “Yêu trẻ” không có nghĩa là để mặc chúng phá giấc ngủ của người khác để thỏa mãn thú chơi của mình, qua đó dần quen với lối sống ích kỷ ngay từ nhỏ. Tình làng nghĩa xóm bền chặt được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lợi ích hợp pháp của nhau, quan tâm tới nhau một cách chân thành, phi vụ lợi chứ không phải được quyết định bởi lợi ích chỉ của một bên... Bởi thế, nói ra những gì mình thấy là không phải hay giữ thái độ yên lặng, đâu là cách ứng xử có ích cho bản thân và cả cộng đồng?
Cách nay khá lâu, trên một tờ báo trong nước có bài viết dẫn ý kiến của chuyên gia tâm lý giáo dục, theo đó, trong con người chúng ta tồn tại tâm lý thích được khen, thường có ý tự khen, xu hướng chung là muốn nhận được lời tán dương từ bạn bè, đồng nghiệp. Thực tế cho thấy điều này. Nhiều người muốn biết ý kiến nhận xét về mình từ những người xung quanh thông qua sự kể lại của ai đó; đáng tiếc là không phải bao giờ “người đưa chuyện” cũng thể hiện được thái độ khách quan. Loay hoay một chữ “tình”, muốn làm vừa lòng người đối diện mà người ta thường “Ý tốt kể ra, xấu xa giấu biệt”. Đó không phải là điều tốt bởi trong cuộc sống, điều ta cần biết không chỉ là lời khen, mà quan trọng hơn là lời góp ý chân thành về những gì mình còn hạn chế, những việc chưa làm đúng, để mà thay đổi, tiến bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.