Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngoài vòng cương tỏa?

Nữ Quỳnh| 05/12/2013 05:44

(HNM) - Việc giá gas tăng 80.000 đồng/bình (12kg), mức cao nhất trong vòng hai năm qua đã gây sốc cho người dân và không ít doanh nghiệp. Sau quyết định này, người dân phàn nàn chuyện giá gas quá cao và đáng lo ngại hơn, gas có "nổ phát súng" đầu tiên cho làn sóng tăng giá cuối năm?

Tăng giá hay giảm giá suy cho cùng thì cũng là "chuyện thường ngày" của thị trường. Tuy nhiên, thời điểm này đang là cao điểm sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán mà lại tăng giá nguyên liệu thì chẳng khác đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Giá nhiên liệu tăng làm cơ cấu giá thành sản phẩm tăng, trong khi nhiều hợp đồng đã được xác định giá từ trước. Còn với nhiều bà nội trợ thì giải pháp dùng thêm bếp điện chắc chắn là ưu tiên hàng đầu.

Vậy là câu chuyện tăng giá này đã không còn là chuyện bình thường được nữa. Cũng giống như điện và xăng dầu, mỗi khi giá tăng, dù ít thì cũng vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận. Chỉ bởi một lẽ đơn giản, đó là những mặt hàng thiết yếu, không thể cứ muốn là tăng. Lần này, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Công thương) phát biểu trên báo chí khẳng định, mức tăng phù hợp với diễn biến tăng giá trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là vì sao lượng gas sản xuất trong nước chiếm đến hơn 50% thị trường, nhưng giá gas bán lẻ vẫn bị điều chỉnh theo giá thế giới? Phải chăng việc quản lý giá với mặt hàng gas đang bị "buông"? Trong khi chúng ta đang đòi hỏi phải minh bạch việc quản lý giá điện, xăng thì dường như gas lại "ngoài vòng cương tỏa". Mỗi khi các doanh nghiệp tăng giá bán, hầu như thị trường chỉ biết chấp nhận. Giá tiêu dùng liên tục tăng và người dân đang phải oằn lưng chịu những khoản tăng thêm từ điện, nước, xăng, than và cả gas. Nỗi lo cơm áo gạo tiền ngày càng thêm nặng.

Một nửa số gas được sản xuất trong nước nhưng lại tính theo giá thế giới. Đó là điều bất hợp lý. Và cả việc áp giá ngay sau khi chốt giá nhập khẩu cũng được nhiều chuyên gia cho rằng chưa hợp lý. Cục Quản lý giá cho biết đã thực hiện kiểm tra chặt chẽ theo đúng trình tự quy định. Thế nhưng cái quy trình thủ tục ấy có chuẩn hay không thì chưa được đề cập. Điều này đòi hỏi phải rà soát để có những quy định cụ thể. Hiện nay việc tăng giá được giải thích theo giá thế giới, nhưng thực tế đến lúc này hầu hết doanh nghiệp chưa có hợp đồng mới, dù họ đã áp dụng theo giá mới.

Nhưng bất luận vì lý do gì thì việc đẩy giá gas tăng cao như vậy thật sự là điều bất thường, người dân hồ nghi về sự mập mờ, yếu kém trong công tác quản lý. Hay nói cách khác là cơ quan quản lý đang thụ động, chạy theo doanh nghiệp. Giá tăng rồi, dư luận phản ứng mới loay hoay tìm cách xử lý. Điều này sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và Nhà nước cũng mất mát nếu phải chấp nhận giảm thuế nhập khẩu.

Cũng như điện, xăng với điệp khúc tăng cao, giảm ít, dư luận đang đòi hỏi những động thái xử lý theo hướng minh bạch từ phía cơ quan có trách nhiệm. Nhà nước cần có cơ chế để giảm bớt việc lệ thuộc của mặt hàng này với thị trường thế giới và cần nhớ rằng gas là mặt hàng nằm trong danh mục hàng hóa được bình ổn giá. Đừng để việc tăng hay giảm giá thế nào chỉ do doanh nghiệp quyết định một cách áp đặt để bắt người tiêu dùng phải chịu như vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngoài vòng cương tỏa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.