Qua 5 năm triển khai thi hành, một số quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 cần được nghiên cứu và sớm sửa đổi để nâng cao hơn nữa công tác này trong thời gian tới.
Cụ thể, các tỉnh, thành phố phản ánh, quy định cử người giải quyết bồi thường, về địa điểm tổ chức buổi thương lượng nhằm bảo đảm kết quả giải quyết bồi thường phải tuân thủ đúng thủ tục; các thiệt hại và mức thiệt hại được tính đúng, tính đủ. Tuy vậy, khi áp dụng vào thực tiễn đã tồn tại 2 quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, người giải quyết bồi thường chỉ là một cá nhân. Quan điểm thứ hai là luật hiện chỉ quy định về tiêu chuẩn của người giải quyết bồi thường, không quy định “cứng” người giải quyết bồi thường chỉ là một người. Mặt khác, giải quyết bồi thường của Nhà nước là công tác phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi điều chỉnh rộng và thời gian giải quyết được quy định rất nghiêm ngặt. Do vậy, việc thành lập tổ giải quyết bồi thường là cần thiết, nhằm huy động được tối đa trí tuệ tập thể để giải quyết rốt ráo vụ việc.
Về thỏa thuận địa điểm thương lượng, luật quy định “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” thì địa điểm thương lượng có thể thay đổi, không bắt buộc là trụ sở UBND cấp xã nơi cư trú của người yêu cầu bồi thường là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở của người yêu cầu bồi thường là tổ chức. Nhưng “thỏa thuận khác” có nội dung, hình thức... như thế nào thì văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định.
Do vậy, các địa phương kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn cụ thể để quá trình triển khai thực hiện không xảy ra tình trạng có nhiều cách hiểu, vận dụng khác nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.