Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghịch lý giao thông

Quang Tuấn| 30/12/2010 06:59

(HNM) - Năm 2010, trung bình một ngày, tai nạn giao thông (TNGT) cướp đi sinh mạng của hơn 30 người và làm gần 30 người bị thương; tính cả năm có 11.449 người chết và 10.633 người bị thương. Đó là con số được công bố ngày 28-12 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.


Như vậy, cho dù đã được cảnh báo và ra sức phòng tránh, TNGT những năm qua không những không thuyên giảm mà ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối của cả xã hội. TNGT vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho con người - tài sản lớn nhất của xã hội (thiên tai lũ lụt gây ra trong năm 2010 chỉ làm chết và mất tích có 300 người). Cùng với thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế, TNGT còn gây nên những tác động tâm lý lâu dài đối với nhiều cá nhân, gia đình; ảnh hưởng xấu đến ổn định xã hội.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình hình nói trên là quy hoạch hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển như vũ bão của phương tiện giao thông (sản xuất trong nước và nhập khẩu); hay nói cách khác, sự điều hành, quản lý vĩ mô của các cơ quan chức năng chưa theo kịp yêu cầu; công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý phương tiện giao thông còn nhiều bất cập, yếu kém.

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã hết sức quan tâm chỉ đạo và các cấp, các ngành, địa phương đều đã vào cuộc nhằm hạn chế gia tăng TNGT… Nhiều chiến dịch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được triển khai trong cả nước, đến các tầng lớp nhân dân. Nhưng xem ra những chiến dịch ra quân tốn kém, và cách làm mang tính nhất thời chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Có lẽ không ai nhớ nổi chúng ta đã có bao nhiêu "Tháng an toàn giao thông", "Tuần lễ an toàn giao thông" được phát động, triển khai; hoặc bao nhiêu cuộc ra quân của các cấp, ngành, đoàn thể được tổ chức rầm rộ, hoành tráng mà kết quả lại chẳng được như ý. Công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức được triển khai kiên trì, nghiêm túc và khá tốn kém nhưng ý thức công dân vẫn chưa thay đổi rõ nét và các ngành, các cấp, nhất là chính quyền địa phương, vẫn chưa tạo được một bước chuyển biến thật sự.

Trong những năm qua, Nhà nước và nhân dân đã duy tu, bảo dưỡng nâng cấp nhiều công trình giao thông; rà soát loại bỏ các biển báo hiệu đường bộ bất hợp lý, xử lý, khắc phục nhiều "điểm đen" về an toàn giao thông… Tuy nhiên, như có một nghịch lý đang tồn tại là đường càng to, càng đẹp thì hiểm họa về TNGT lại càng tăng. Đơn cử như Hà Nội vừa hoàn thành đưa vào sử dụng Đại lộ Thăng Long - đại lộ dài và đẹp nhất cả nước - nhưng cũng từ ngày khai trương đưa vào sử dụng thì cùng với những bất cập của công tác quản lý, ý thức yếu kém của người tham gia giao thông lại là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất ATGT ở đây.

Thực tế cho thấy, cùng với các nguyên nhân khác như chất lượng công trình, phương tiện tham gia, ùn tắc giao thông… thì nguyên nhân trực tiếp dẫn đến gia tăng các vụ TNGT đường bộ chủ yếu là ý thức của người tham gia giao thông như: đi không đúng phần đường, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, không chú ý quan sát khi lưu thông, uống rượu - bia khi điều khiển phương tiện…

Rõ ràng nhận thức của người tham gia giao thông có ý nghĩa quyết định trong việc giảm nhẹ TNGT cho chính họ. Để nâng cao nhận thức trong việc chấp hành luật lệ giao thông, cần bắt đầu từ việc xây dựng văn hóa giao thông trong mỗi người. Việc xây dựng văn hóa giao thông phải bắt đầu từ ý thức tự trọng và tôn trọng người khác khi tham gia giao thông của mỗi người. Việc thực hiện cần bền bỉ, lâu dài; giải pháp phải đồng bộ và có tính vững chắc, có sự phối hợp vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và xã hội… Một vấn đề quan trọng nữa là công tác quản lý, điều hành giao thông, công tác thực thi pháp luật về giao thông. Quản lý, điều hành giao thông theo kiểu bịt chỗ này mở chỗ kia rồi lại bịt, lại mở; hay việc thực thi pháp luật giao thông theo kiểu "núp" để phạt, dừng xe tải, xe khách theo chặng, theo giờ để kiểm tra lấy lệ rồi nhận "mãi lộ"… thì TNGT vẫn tiếp tục diễn ra trầm trọng. Và rồi việc chưa có đủ hạ tầng giao thông mà cứ cho phát triển xe máy, ô tô như hiện nay thì TNGT vẫn tiếp tục gia tăng. Vì vậy, bên cạnh những biện pháp tầm vi mô, cần phải thay đổi từ nhận thức và quản lý điều hành ở tầm vĩ mô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.