Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩa tình của người làm báo

Thuận Thi - Đan Nhiễm| 21/06/2014 04:56

(HNM) - Những ngày tháng 6, dải đất miền Trung nóng như chảo lửa. Nắng bỏng rát da người nhưng vẫn không ngăn được bước chân người từ khắp mọi miền Tổ quốc đến đây để tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ và thân nhân Cảnh sát biển, Kiểm ngư, ngư dân...

Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân ta đã kiên cường bám biển. Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Hànộimới đã sớm quyết định mở một đợt ủng hộ các chiến sĩ CSB, KN đang làm nhiệm vụ ở vùng biển Hoàng Sa và thân nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái tặng quà Thượng úy Hoàng Đình Hinh và vợ. Ảnh: Trà My


Ngay khi có chỉ đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới cũng dành một ngày lương để ủng hộ và Quỹ Trái tim nhân ái khẩn trương vào cuộc nắm bắt thông tin. Với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp và Báo Quảng Bình, Báo Quảng Ngãi, danh sách các trường hợp CSB, KN, ngư dân có đời sống khó khăn cần hỗ trợ nhanh chóng được thiết lập. Đợt đầu tiên, Quỹ Trái tim nhân ái đã hỗ trợ 7 trường hợp với mức 5 triệu đồng/người, trích từ nguồn đóng góp của cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới.

Sáng sớm thứ năm (12-6), đại diện Quỹ Trái tim nhân ái đã vào Quảng Bình, cùng phóng viên Trương Văn Minh của Báo Quảng Bình tới gia đình Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, Chính trị viên tàu CSB 2016, ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy để trao quà. Gia đình anh Huy rất khó khăn khi người vợ là chị Trần Thị Hòa đang mắc bệnh ung thư buồng trứng. Con trai lớn của anh chị mới 3 tuổi, con bé mới 7 tháng tuổi được ông bà nội chăm sóc. Tiếp nhận món quà, ông Nguyễn Hữu Kỳ, bố anh Huy xúc động nói: "Mấy hôm trước tàu CSB 2016 bị tàu Trung Quốc đâm va phải quay về Đà Nẵng sửa chữa nên Huy đã tranh thủ gọi điện hỏi thăm bố mẹ và vợ. Gia đình cũng động viên Huy yên tâm làm nhiệm vụ, mọi việc chữa trị cho vợ và chăm con đã có người thân và bà con làng xóm chung tay giúp đỡ".

Tiếp đó, ngày 16-6, đại diện Quỹ Trái tim nhân ái tiếp tục đến Quảng Nam, Quảng Ngãi để trao quà cho các chiến sĩ CSB Vùng 2, gia đình các ngư dân tại huyện đảo Lý Sơn đang gặp nhiều khó khăn. Ban Biên tập Báo Quảng Ngãi đã cử chị Phạm Hồng Sơn (Chủ tịch Công đoàn) và phóng viên Thanh Nhị - được gọi là "Chúa đảo Lý Sơn" bởi có nhiều năm gắn bó và hiểu hòn đảo tiền tiêu này không kém gì người dân bản địa - hỗ trợ đoàn. Nhận những món quà là tấm lòng những người làm báo Đảng Thủ đô, Thiếu úy Đinh Văn Tiệp (tàu CSB 4032), chị Lê Thị Thanh Huyền (vợ Thượng úy Nguyễn Đức Thuận -tàu CSB 2013), Thượng úy Hoàng Đình Hinh (trắc thủ ra đa đóng quân trên đảo Lý Sơn, có vợ bị suy thận 11 năm nay); anh Bùi Văn Huệ (ngư dân bị tàn phế sau một lần lặn biển tại ngư trường Hoàng Sa) và bà Trương Thị Tiền (có chồng mới mất đầu năm 2014 do bị tử nạn tại vùng biển Hoàng Sa, gia cảnh hết sức khó khăn) đều coi đây là sự hỗ trợ quý giá để họ có thêm động lực vượt qua khó khăn.

Đặc biệt, nhóm phóng viên Báo Hànộimới vừa hoàn thành tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa đã dành toàn bộ số tiền thưởng 3 triệu đồng nhờ đại diện của Quỹ Trái tim nhân ái trao quà tới 3 gia đình (mỗi gia đình 1 triệu đồng) ở huyện đảo Lý Sơn, gồm: Bà Nguyễn Thị Nhắn, ở thôn An Tây, xã An Vĩnh, có chồng mất khi đi đánh bắt cá ở Hoàng Sa; 2 người con thì 1 bị tâm thần, 1 bị suy thận giai đoạn cuối; bà Nguyễn Thị Cười ở thôn Đông, xã An Vĩnh có chồng bị tâm thần, bản thân bán ve chai nuôi 3 con nhỏ; anh Phạm Văn Tuyền ở thôn Tây, xã An Hải, vốn là giáo viên bị bệnh tâm thần, mẹ già không còn sức lao động, gia đình không đủ gạo ăn, ốm đau không có tiền chữa bệnh...

Những ngày tới Quỹ Trái tim nhân ái sẽ tiếp tục đến với những miền quê ở khắp mọi miền đất nước để kịp thời động viên, hỗ trợ những gia đình CSB, KN và ngư dân đang gặp khó khăn. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, sự hỗ trợ của mình, cho dù là nhỏ bé nhưng cũng góp phần để những người đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu và gia đình họ thêm vững lòng. Đó là tình cảm và trách nhiệm của những người làm báo Đảng Thủ đô, đồng thời là truyền thống nhân ái của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Ông Nguyễn Văn Tỵ (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm):
Hànộimới - Tờ báo tôi yêu

Năm nay tôi 98 tuổi, đã có 50 năm liên tục đọc và chứng kiến sự phát triển của Báo Hànộimới, tờ báo mà tôi vô cùng yêu quý. Tôi rất mừng khi biết tin Báo Hànộimới vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Bởi lẽ, thành tích và uy tín của Báo Hànộimới không chỉ tạo nên niềm tin yêu đối với đảng viên và nhân dân Thủ đô Hà Nội mà đã lan tỏa trên toàn quốc và trên thế giới. Báo Hànộimới đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố, mà còn có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Chị Nguyễn Thị Hương (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm):
Hànộimới tiếp sức cho tôi đấu tranh giành lẽ phải

Năm 2013 ghi dấu nhiều vui buồn trong cuộc sống của gia đình tôi. Chỉ vì nhà hàng xóm xây dựng sai phép ảnh hưởng đến gia đình đã kéo tôi vào cuộc đấu tranh giành lẽ phải. Đơn thư phản ánh kiến nghị của tôi gửi đến khắp các cơ quan chính quyền từ cơ sở đến thành phố nhưng công trình xây dựng vi phạm vẫn tăng thêm tầng cao và đi vào hoàn thiện. Chẳng còn cách nào khác, tôi "cầu cứu" đến Báo Hànộimới. Phóng viên Ban Bạn đọc đã đến hiện trường thẩm tra, xác minh nội dung đơn của tôi và có bài viết phản ánh chính xác, trung thực, khách quan sự việc. Không những thế, tôi còn được phóng viên hướng dẫn gặp Bí thư Quận ủy trong buổi tiếp công dân trực tiếp. Ý kiến chỉ đạo của Bí thư Quận ủy khẳng định tính đúng đắn của sự việc tôi phản ánh, là tiền đề cho việc giải quyết tiếp theo của chính quyền cơ sở theo quy định pháp luật. Tốn không ít thời gian, công sức, cuối cùng tôi đã bảo vệ được lẽ phải. Trong "chiến thắng" ấy có sự hỗ trợ rất nhiều từ Báo Hànộimới.

Ông Đỗ Viết Doanh (phường Định Công, quận Hoàng Mai):
Tờ báo hết lòng vì nhân dân Thủ đô

Nhiều năm làm cán bộ tổ dân phố, tôi thường xuyên đọc Báo Hànộimới, lĩnh hội quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước do báo truyền tải. Đây là cơ sở giúp tôi có nhiều thông tin, tư liệu tuyên truyền phổ biến pháp luật đến quần chúng nhân dân được chính xác và kịp thời. Bên cạnh tính định hướng cao, tờ báo còn kịp thời thông tin chính xác các vấn đề dân sinh khiến người dân cảm thấy thực sự gần gũi như người bạn. Qua việc trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân và cơ quan báo bằng 2 số điện thoại Đường dây nóng, sự tích cực hoạt động nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, nhiều bài báo phản ánh sát thực tế cuộc sống, thu hút sự quan tâm đón đọc của độc giả. Hơn thế nữa là sự vào cuộc của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng với các vấn đề báo nêu nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề dân sinh. Tôi mong rằng, tới đây Báo Hànộimới ngày càng sát cánh với người dân Thủ đô hơn nữa, xứng đáng là cầu nối nhịp thông tin giữa người dân với lãnh đạo địa phương và cơ quan chức năng.

Ban Bạn đọc

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa tình của người làm báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.