Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩ về hai chữ ''bình an''

Hà Anh| 19/02/2022 14:53

(HNMCT) - Con trai tôi làm việc tại một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhân sự cỡ vài chục, toàn lứa 9x, kể cả giám đốc. Tối 9-2, ngày thứ ba đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết, cậu chàng về nhà, vào ngay phòng mình rồi nhắn lên nhóm Zalo của gia đình rằng “công ty có nhiều F0, sếp cho tất cả nhân viên cách ly ở nhà 1 tuần, làm việc online…”. Sáng hôm sau cháu có biểu hiện sốt, test nhanh cho kết quả dương tính. Thế là vợ chồng tôi trở thành F1, cũng phải tự cách ly ở nhà, làm việc online.

Không chỉ gia đình tôi gặp "biến cố", mà tuần đầu đi làm sau Tết, nhiều đồng nghiệp, bạn bè chia sẻ nỗi lo lắng trước nguy cơ đại dịch Covid-19 “gõ cửa” nhà mình, nhất là khi con em họ (từ lớp 7 đến lớp 12) trở lại trường học từ ngày 8-2. Thậm chí mấy người quen thông báo trong gia đình có F0, điều không dễ thấy ở mấy đợt dịch trước. Không ít lời cảm thán: “F0 bây giờ nhiều quá!”. Có người bắn tin không tham gia gặp mặt đầu năm hay hủy chuyến du xuân cùng gia đình hoặc bạn bè đã dự định từ trước... Thông tin trên báo đài cho thấy số ca nhiễm ở Hà Nội những ngày qua luôn xấp xỉ 3.000 ca/ngày, đáng lo ngại là ngày Valentine 14-2 vọt qua mốc hơn 3.500 ca nhiễm, đặc biệt ngày 15-2 có tới 3.972 ca dương tính.

Chúng ta đã trải qua hơn 2 năm chống dịch Covid-19 căng thẳng, quyết liệt và đã giành được thế chủ động kiểm soát, cho dù phải chịu nhiều tổn thất, mất mát to lớn. Tết vừa rồi đã là cái Tết thứ ba phải sống chung với đại dịch. Song khác với hai mùa Tết trước, Tết năm nay diễn ra trong bối cảnh “bình thường mới”. Nhờ thành quả tiêm phủ vắc xin (Việt Nam nằm trong 6 quốc gia có số mũi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cao nhất thế giới) nên không còn tình trạng “ai ở yên đó”, “ngăn sông cấm chợ” nữa, vì vậy mà nhiều người con xa xứ được trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình; các địa điểm du xuân đủ điều kiện “thích ứng” cũng mở cửa… Cho dù không có pháo hoa đêm Giao thừa, không diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật tụ tập đông người…, nhưng có thể nói những ngày Tết vừa qua là cả một bước tiến dài trong hành trình trường kỳ chống đại dịch.

Ở thời điểm này, người lao động đã trở lại cơ quan, công trường, nhà máy, đồng ruộng... Học sinh các cấp đã và đang trở lại với trường lớp, thầy cô. Mùa xuân cũng là mùa lễ hội, vì thế sẽ có nhiều người đi du xuân, tham quan di tích, thưởng ngoạn thắng cảnh... Và các đường bay thương mại quốc tế, cùng với đó là các hoạt động du lịch, cũng đang trên lộ trình mở cửa trở lại (lần này sẽ là “mở toang” chứ không chỉ là thí điểm với những điều kiện khắt khe về thị thực, cách ly…) để đưa bạn bè quốc tế đến Việt Nam - đất nước tươi đẹp, thân thiện, thanh bình, đáng sống và đưa người Việt ra “năm châu, bốn bể” để tham quan, học tập, làm ăn…

Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu suy giảm thì việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội khó tránh khỏi nguy cơ gia tăng số ca nhiễm mới. Nhưng lo lắng không có nghĩa là sợ hãi, né tránh, mà phải sẵn sàng đối diện với nó. Vì đó là một yêu cầu tất yếu, bởi chúng ta không thể cứ mãi “đóng cửa”, nếu chần chừ thì chúng ta sẽ chậm chân, lỡ cơ hội, phải đứng ngoài cuộc chơi, đồng nghĩa với chậm phục hồi sau cơn khủng hoảng toàn cầu... Và đó mới đích thực là nhịp sống “bình thường mới”.

Những ngày Tết vừa qua, từ khóa nhiều nhất trong những lời chúc năm mới mà mọi người nhận được (qua tin nhắn điện thoại, Zalo, Facebook…) có lẽ là hai chữ “bình an”. Tuy nhiên, để thực sự có được sự bình an trong một năm mới dự báo vẫn có nhiều biến động, khó khăn thì chúng ta phải có sự chuẩn bị, sẵn sàng cả ‘tâm” và “thế” để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Và đó không chỉ là nhiệm vụ của các cấp ngành, mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người dân, trong đó quan trọng nhất là nâng cao ý thức phòng chống dịch, không được chủ quan, luôn tuân thủ quy định 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khoảng cách - Khai báo y tế!  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ về hai chữ ''bình an''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.