Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩ cho trẻ em nhiều hơn

Hoàng Lê| 09/09/2021 08:04

(HNMCT) - Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn đang ở cao trào, đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết. So với trước đây, ở lần này vấn đề không chỉ là số ca mắc và số người tử vong tăng mạnh, mà còn ở chỗ cần có giải pháp tiêm phòng Covid-19 cho những người trên 65 tuổi, dự tính giải pháp tiêm phòng cho nhóm trẻ trên 12 tuổi khi các điều kiện bảo đảm an toàn được xác định... Nói một cách khác, giờ là thời điểm cần quan tâm nhiều hơn nữa tới việc phòng dịch cũng như chăm sóc, điều trị cho trẻ em bởi thực tế cho thấy trẻ mắc Covid-19 và phải nhập viện điều trị không còn là hiện tượng đơn lẻ - cả ở Việt Nam và trên thế giới.

Tại Mỹ, số trẻ em và thanh thiếu niên mắc Covid-19 tăng nhanh trong thời gian gần đây. Tình hình mắc Covid-19 ở trẻ em cũng có diễn biến phức tạp tại Indonesia, quốc gia được đánh giá là tâm dịch Covid-19 trong khu vực Đông Nam Á... Còn tại Việt Nam, khi số ca mắc Covid-19 ở người lớn tăng mạnh thì số lượng trẻ bị lây nhiễm cũng tăng, một số trẻ nhập viện cần được điều trị tích cực khi diễn biến bệnh ở mức nặng. Đó không chỉ là điều khiến ngành Y tế phải suy nghĩ nhiều hơn về giải pháp phòng và điều trị bệnh đối với trẻ em, mà còn đặt ra yêu cầu thay đổi nhận thức, cách ứng xử của người lớn trong việc phòng dịch Covid-19 cho trẻ nhỏ.

Đó là điều cần lưu ý bởi trong những ngày vừa qua, cả ở những nơi phải thực hiện giãn cách xã hội hay địa phương chưa cần thực hiện biện pháp này, có thể nhận ra cách nhìn nhận vấn đề, cách ứng xử, việc làm không đúng. Trên đường phố, có thể thấy hiện tượng người lớn dắt trẻ theo cùng khi đi chợ. Tại các khu dân cư, vẫn thấy có những ông bà, cha mẹ đưa con cháu ra sân chung chơi, tập thể dục. Trong khu chung cư, không ít trẻ cùng chơi đùa ở hành lang chung, không được nhắc nhở để hiểu rằng mình cần phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với hàng xóm…

Cho tới nay, ngày càng rõ rằng mối nguy từ dịch Covid-19 đối với trẻ em là đặc biệt nguy hiểm, bởi trẻ không phải là đối tượng nắm quyền chủ động trong việc phòng dịch. Như tại Việt Nam, số trẻ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đa số là do bị lây từ người lớn - chủ yếu là từ chính các thành viên trong gia đình. Xét từ tính chất lây nhiễm phổ biến đối với trẻ, khi học sinh ở các địa phương là điểm nóng về dịch Covid-19 còn chưa tựu trường, phải học online thì hiệu quả phòng dịch cho trẻ phụ thuộc vào nhận thức, trách nhiệm của các gia đình. Lúc này, Chính phủ hay ngành Y tế cũng không giúp được quá nhiều trong vấn đề này, bởi điều quan trọng nhất là vắc xin phòng Covid-19 thì không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng chưa có loại dành riêng cho trẻ em.

Trong bối cảnh nói trên, cần tính tới một thực tế là đến một lúc nào đó, khi tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 tăng lên và tình hình dịch lắng xuống, chúng ta sẽ nới biện pháp giãn cách xã hội để bảo đảm phát triển kinh tế. Nếu kế hoạch tiêm chủng “thần tốc” của thành phố Hà Nội và một số địa phương khác được thực hiện thành công thì ngày “bình thường mới” không còn xa nữa. Khi đó, số người ra đường đi làm, mua sắm, thăm hỏi người thân… càng đông thì nguy cơ lây nhiễm tất yếu cũng tăng, hậu quả có thể rất lớn nếu còn có ca F0 trong cộng đồng, cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện... Người lớn “dính” vi rút SARS-CoV-2 còn đỡ lo một chút nếu đã được tiêm phòng, vấn đề là họ sẽ mang mầm bệnh về nhà trong khi trẻ em chưa được tiêm vắc xin.

Thế nên, mỗi người lớn chúng ta hãy cân nhắc kỹ về hành vi của mình, luôn tự nhắc nhở rằng chỉ một chút buông thả để thỏa mãn mong muốn “được giải phóng” sau chuỗi ngày bí bách vì giãn cách cũng có thể mang lại thảm họa cho chính con cháu mình. Hãy nghĩ tới cảnh con trẻ vì sự vô ý của mình mà phải nhập viện hay cả nhà phải sống trong khu cách ly, gia đình ly tán vì Covid-19. Ngày kết thúc giãn cách không phải “ngày hội toàn dân ra đường”. Khi dịch Covid-19 còn chưa thực sự bị đẩy lùi, hãy tiếp tục cố gắng tự kiềm chế, chỉ ra đường khi đi làm hoặc có việc thật sự cần thiết để tự bảo vệ mình cũng như con cháu chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ cho trẻ em nhiều hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.