1. Báo chí đưa tin, bên lề kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh cho biết các cơ quan tham mưu đã lập kế hoạch, xây dựng phương án để làm tờ trình xây thêm trụ sở gộp các cơ quan nhà nước trên địa bàn - gọi là tòa nhà liên cơ quan.
Tòa nhà được bố trí trên khuôn viên của hai sở Giáo dục - Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ là nơi làm việc của 12 sở, ban, ngành. Theo tính toán, công trình này cần một khoản kinh phí lớn, bao gồm giải phóng mặt bằng và xây dựng.
Sẽ không có gì đáng nói nếu các đại biểu HĐND tỉnh không... chỉ ra rằng: Nguồn thu ngân sách hằng năm của tỉnh Gia Lai chỉ vào khoảng 3.000 tỷ đồng và hằng năm, tỉnh phải xin ngân sách trung ương... gấp vài lần con số này. Đặc biệt, nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng: Tại các địa phương, hệ thống trạm xá, trường học, trụ sở UBND xã còn rất xập xệ. Nhiều nơi, cán bộ phải làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất hết sức khó khăn; học sinh phải học trong những điều kiện không bảo đảm... Cũng phải nói thêm là trụ sở liên cơ quan được đầu tư xây dựng trước đó - nơi tập trung 7 sở lớn - bị phàn nàn rất nhiều do xuống cấp nghiêm trọng.
Cách đây chưa lâu, thông tin UBND tỉnh Hải Dương "xin chủ trương" xây một khu hành chính tập trung cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo đó, khu hành chính này có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỉnh chỉ tự lo được 1.000 tỷ đồng từ ngân sách, 200 tỷ đồng từ bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất các công sở cũ... còn lại trông chờ nguồn vốn trung ương hỗ trợ.
2. Thực trạng nhiều địa phương nghèo mà chơi sang, nghèo mà tiêu hoang không mới song vẫn còn nguyên tính thời sự. Đề xuất hoặc thực tế đã triển khai việc xây dựng trụ sở cơ quan công quyền hoành tráng vấp phải phản ứng gay gắt từ dư luận. Một địa phương sống nhờ vào nguồn ngân sách trung ương mà đầu tư xây dựng trụ sở quá to, quá lớn là một nghịch lý. Nghịch lý này càng trở nên trớ trêu hơn khi hạ tầng cơ bản, thiết yếu, cần thiết cho mục tiêu phát triển lâu dài như hệ thống y tế cơ sở, trường học vừa thiếu lại vừa yếu.
Trong khi hai địa phương trên mới "xin chủ trương" thì thực tế ngay tại những địa phương nghèo vào hàng nhất nhì cả nước, không ít trụ sở cơ quan công quyền hoành tráng đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Có nhiều câu hỏi cần đặt ra ở đây: Những địa phương này đã thực sự cần xây dựng trụ sở (liên cơ quan) mới, tức là hệ thống trụ sở cơ quan hành chính cũ đều đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc không còn bảo đảm thực tế công tác? Ở những địa phương đã xây xong, các trụ sở có bị sử dụng lãng phí hoặc có dấu hiệu xuống cấp…? Và quan trọng hơn, hệ thống cơ sở vật chất y tế, giáo dục - hai lĩnh vực vừa có tính thiết yếu bảo đảm an sinh xã hội vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển bền vững của đất nước đã được đáp ứng đầy đủ?
3. Một trong những lý do mà địa phương đua nhau đầu tư xây dựng hoặc đề xuất triển khai xây dựng trụ sở hoành tráng là phục vụ công cuộc cải cách hành chính với những lý do thuyết phục như để các cơ quan đầu mối được quy hoạch tập trung, thuận tiện cho người dân tìm đến, để cán bộ, viên chức yên tâm làm việc... Công bằng mà nói, bảo đảm cơ sở vật chất cơ quan công quyền là một điều kiện bảo đảm cải cách hành chính hiệu quả, song đây mới là điều kiện đủ chứ không phải điều kiện cần, càng không phải là điều kiện cấp thiết. Trong điều kiện đất nước còn nghèo, cả nước còn hàng nghìn cơ sở giáo dục không bảo đảm cho công tác dạy và học; trong điều kiện nhiều nơi còn thiếu trạm y tế, bệnh viện, nhiều địa phương còn chưa có đường giao thông đạt chuẩn đến xã... thì đây mới chính là những hạng mục phải được ưu tiên, phải được gấp rút đầu tư xây dựng.
Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, một trong những vấn đề lớn của nền kinh tế thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước là nợ công. Đến thời điểm này, nợ công đã trở thành một gánh nặng, với tốc độ tăng khoảng 18 - 25% mỗi năm và dự kiến lên tới mức 64% GDP vào năm 2015. Không cần nói thêm thì ai cũng có thể hiểu rằng chúng ta không chỉ là một nước còn nghèo mà còn đang đối mặt sức ép trả nợ trong tương lai. Xây thêm trụ sở hoành tráng, đất nước thêm nặng nợ, thậm chí còn có nguy cơ bị kéo lùi sự phát triển.
Tư duy, cách nghĩ, cách làm theo kiểu nghèo mà chơi sang phải sớm chấm dứt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.