Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sỹ Nhân dân Đào Bá Sơn: Luôn… “đói” Hà Nội

Hà Tuấn| 19/05/2013 06:18

(HNM) - NSND Đào Bá Sơn sinh năm 1952 và gắn bó với Hà Nội tròn 31 năm trước khi chuyển vào sống hẳn tại TP Hồ Chí Minh từ năm 1983. Hễ có dịp ra Hà Nội, ông thường lấy cớ lưu lại lâu hơn.

Luôn đau đáu về quê hương

Gặp nhau vào một buổi chiều mưa đầu tháng 5 tại quán Cà phê xưa ở trung tâm thành phố, ông đã khiến chúng tôi ấn tượng bởi khuôn mặt rất "tây" với cái sống mũi cao và cách nói chuyện rất đỗi đời thường. Giai đoạn 1973-1977, Đào Bá Sơn học lớp điện ảnh khóa 2 tại Trường Điện ảnh Việt Nam. Năm 1978, ông làm việc tại Xưởng Phim truyện Việt Nam và đến năm 1980 thì về Nhà hát Kịch trung ương. Năm 1983, ông tạm biệt Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sống hẳn cho đến nay. NSND Đào Bá Sơn đã có 24 năm làm đạo diễn, 37 năm đóng phim, với gần 80 bộ phim truyện nhựa cùng hàng trăm tập video, phim truyền hình và vô số giải thưởng cao quý.

NSND Đào Bá Sơn trên trường quay.


Kể về cái nghiệp của mình, Đào Bá Sơn tủm tỉm cho hay, ông từng là diễn viên chuyên đóng vai sĩ quan Mỹ, Pháp như trung úy Smith và thiếu tá Jean trong "Chom và Sa", "Tự thú trước bình minh" của cố đạo diễn, NSƯT Phạm Kỳ Nam; đại úy Snaider trong "Tình không biên giới" của cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Rizt - người cựu binh Mỹ về Việt Nam tìm hài cốt bạn trong "Pho tượng Lastmy" của cố đạo diễn, NSND Nguyễn Văn Thông. Ông cũng có khá nhiều vai chính giành được cảm tình của người xem như vai Nam trong "Hãy tha thứ cho em" của đạo diễn, NSƯT Lưu Trọng Ninh, giám đốc Tư Lê trong "Lưới trời" của đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn. Tuy nhiên, nghiệp diễn viên của ông có phần bị "lu mờ" so với cái sự nổi tiếng trong vai trò đạo diễn phim với 16 giải thưởng quốc gia trong đó có 3 giải Đạo diễn xuất sắc… Phim của ông từng tham gia nhiều LHP quốc tế như: "Người tìm vàng" (1989), "Biệt ly trắng" (1994), "Madam Dung" (1993), "Đám mây không dừng lại" (2007), "Long thành cầm giả ca" (2010). Nhưng đánh dấu thành công rực rỡ nhất của ông trong vai trò đạo diễn là "Long thành cầm giả ca", bộ phim về đề tài lịch sử Thăng Long - Hà Nội trong bối cảnh cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn đã đoạt giải Cánh diều vàng danh giá.

Nhắc về bộ phim "Long thành cầm giả ca", Đào Bá Sơn say sưa: "Trong tôi luôn đau đáu mơ có điều kiện trong dịp nào đó được làm phim về Hà Nội. Khi được giao kịch bản làm bộ phim này để công chiếu nhân dịp 1000 năm Thăng Long, tôi mới hiểu rằng cơ may đã tới!". Nhận kịch bản từ tháng 5-2009 kèm theo yêu cầu tháng 7-2010 phải hoàn thành, thời gian gấp, chưa kể khó khăn về các tư liệu, dấu tích xưa không còn nhiều, nhưng với quyết tâm, sau 2 tháng ròng rã khắp 7 tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội trong cái lạnh buốt giá của miền Bắc, ông đã hoàn thành bộ phim. Đây là phim lịch sử đầu tiên công chiếu trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội các rạp chiếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. "Sau này, khi phim được công chiếu ở các nước trên thế giới, nhiều khán giả nước ngoài rất tò mò hỏi về địa điểm quay phim và họ hứa sẽ tìm bằng được các địa danh lịch sử đó để tham quan và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội", NSND Đào Bá Sơn tự hào.

Đào Bá Sơn bảo, trong hơn 30 năm sống ở Hà Nội, dấu ấn nghề nghiệp của ông chưa thực sự nổi trội so với đồng nghiệp cùng trang lứa. Phải đến năm 1982, khi chính thức về Hãng phim Giải phóng với vị trí Phó đạo diễn, ông mới thực sự có niềm tin hơn với nghề. Sáu năm làm việc bên cạnh đạo diễn Hồng Sến là khoảng thời gian vô cùng quý báu đúc kết kinh nghiệm làm phim của ông. "Ngày đó, ở Hà Nội, tôi luôn mong muốn làm được điều gì đó trên quê hương. Nhưng số phận đã đưa tôi đến với thành phố mang tên Bác" - Đào Bá Sơn bồi hồi nhớ về thời kỳ đầy gian truân và thử thách. Dường như những ký ức dang dở về Hà Nội luôn khiến ông đau đáu như mắc lỗi một điều gì đó. Bởi thế, hễ có dịp ra Hà Nội, ông thường lấy cớ để lưu lại lâu hơn. Ngồi nhâm nhi vài cốc bia với những người bạn chí cốt, ông luôn miệng thủ thỉ: "Tao luôn đói Hà Nội nên thường phải ra để nạp rồi bước tiếp". Nổi tiếng, bận rộn là thế, nhưng khi ra Thủ đô ông lại thích đi xe ôm hay cuốc bộ, thích lê la ở một góc quán vỉa hè uống bia hơi với bạn bè để hàn huyên chuyện đời, chuyện nghề, đặc biệt là chuyện của Hà Nội.

Hết lòng với học trò

NSND Đào Bá Sơn hiện đang giảng dạy tại Khoa Đạo diễn (Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh). Đến nay, ông đã đứng lớp tròn 12 năm để truyền nghề và thắp lên ngọn lửa đam mê của mình cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ. Đào Bá Sơn luôn xem sinh viên như những đồng nghiệp của mình và hoàn toàn không có khoảng cách thầy trò, chỉ tựu trung lại là niềm đam mê nghệ thuật. Đào Bá Sơn cũng luôn chống lại "chủ nghĩa kinh nghiệm", bởi "trên những bài giảng tôi có thể nói về kinh nghiệm nhưng đề nghị sinh viên phải xem lại. Nếu chỉ dừng lại ở kinh nghiệm sẽ không có cái mới, cái sáng tạo. Mặc dù nó sẽ bảo đảm chắc chắn và độ an toàn cao. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nghệ thuật, đấy cũng là rào cản cho sự sáng tạo". Đến nay, ông đã đào tạo được hàng trăm nghệ sỹ trẻ, có thể kể ra một số tên tuổi như Khánh Sơn (phim "Bẫy rồng"), Đinh Thái Thụy - phim ("Bờ bên kia")… Nhiều học trò của ông đã đoạt giải cao như Thanh Sơn (Cánh diều vàng 2005), Nguyễn Văn Tuấn (Cánh diều vàng 2007), Hồ Thanh Tuấn (Cánh diều vàng 2009), Đinh Thái Thụy (Cánh diều bạc 2007)…

"Mong sao Việt Nam càng ngày càng có nhiều phim hay, có hồn mang tinh thần Việt" - ông thường trăn trở mỗi khi nói chuyện với học trò.

Với những đóng góp không biết mệt mỏi, Đào Bá Sơn đã được phong tặng danh hiệu NSND. Và dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn nhận được rất nhiều lời mời đóng phim và làm đạo diễn, vẫn tiếp tục làm việc quên thời gian để đưa đến cho đời nhiều cái đẹp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sỹ Nhân dân Đào Bá Sơn: Luôn… “đói” Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.