Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ ưu tú Văn Ty: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn chầu văn”

Lê Dương| 25/06/2020 13:30

(HNMCT) - Nhắc đến Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Văn Ty là nhắc đến một trong những người khởi xướng thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam) với mong muốn bảo tồn âm nhạc dân tộc trong đời sống đương đại. Gặp ông trong chương trình Âm hưởng linh thiêng ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, ông bảo: “Tiếng đàn nguyệt và chầu văn đã ngấm vào máu, vì thế, nếu được chọn lại tôi vẫn chọn chầu văn”.

Nghệ sĩ ưu tú Văn Ty khẳng định chỗ đứng trong làng chầu văn.

1. NSƯT Văn Ty sinh ra và lớn lên tại xã Xuân Thành, cạnh làng Hành Thiện (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) - ngôi làng văn hiến với nhiều chùa cổ và là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu. Phong trào văn nghệ ở vùng quê nơi ông sinh ra rất sôi nổi, mỗi xóm thậm chí có đến 2 đội chèo. Khi ấy, chầu văn chưa được nhìn nhận một cách đúng mức nên người hát chầu văn thường hoạt động trong các đội chèo. Tại đây, họ thường sáng tác những bài thơ theo thể lục bát, song thất lục bát ca ngợi quê hương, đất nước, con người và sau đó chuyển thể sang chầu văn. 

Những người có ảnh hưởng trực tiếp đến Văn Ty là cha của ông, khi ấy phụ trách đội chèo của xóm, và người đồng hương - nghệ sĩ chầu văn lừng danh Thế Tuyền. Chính vì thế, cậu bé Ty đã sớm tiếp nhận, mê đắm tiếng chầu văn từ khi còn rất nhỏ, và không khó hiểu khi đến tuổi trưởng thành, Văn Ty đã “đầu quân” cho Đoàn Ca múa nhạc Hà Nam Ninh (cũ) rồi Đoàn Chèo Hà Nam Ninh.

Cầu tiến, ham học hỏi, Văn Ty rời quê để theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1980, ông được tiếp xúc, học hỏi từ các cung văn rất nổi tiếng như: Lê Bá Cao, Phạm Văn Kiêm, Lê Văn Phùng... 

Sớm có niềm đam mê, lại được các cung văn tài năng truyền dạy nên Văn Ty trưởng thành nhanh chóng, dần khẳng định chỗ đứng trong làng chầu văn. Bằng chứng là khi mới ngoài 30 tuổi, ông đã cùng Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Ngọc Khánh viết chung cuốn sách về Tứ bất tử và hát văn với quan điểm là đưa chầu văn lên sân khấu để mọi người nhìn nó bằng con mắt khác, không phải mê tín dị đoan.

“Ngày đó, do chưa có nhiều thông tin nên nhiều người vẫn cho rằng chầu văn, lên đồng là mê tín dị đoan, nhưng tôi, với tư cách người nghiên cứu thì khác. Tôi tới các chùa ở Hà Nội và hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, những nơi có tín ngưỡng thờ Tam, Tứ phủ và xin được rất nhiều bản văn Hán Nôm của các cụ để lại. Cũng nhờ những chuyến đi ấy mà trong tay tôi đang nắm giữ một kho âm nhạc Độc canh - một loại hình âm nhạc trong nhà chùa - chưa từng được công bố tại Việt Nam. Đây là công trình khá đồ sộ, kỳ công và tôi coi đó là báu vật làm nghề của mình”, NSƯT Văn Ty kể.

2. Để công chúng đánh giá đúng về chầu văn, nghệ sĩ Văn Ty không những xuất bản sách mà còn cho thu băng cassette, đặc biệt là đi biểu diễn khắp nơi. Vào tháng 5-2010, ông cùng các nghệ sĩ biểu diễn tới 2 giờ (NSND Thanh Hoài hát 10 phút, còn ông hát 110 phút) trong chương trình phát qua làn sóng radio của Pháp.

“Tại buổi thu thanh ấy, với mong muốn giới thiệu đặc trưng của nghệ thuật chầu văn tới thính giả Pháp, tôi đã chọn mở đầu bằng bản Văn Công đồng (văn thờ). Bản văn này mang tính tâm linh mẫu mực, hát rất khó, có nhiều trích đoạn hay như Ông Hoàng Mười, Cô Bơ, Xá thượng...

Và dù là hát cho đài phát thanh nhưng các nghệ sĩ vẫn phải tái hiện đúng tinh thần của một buổi hát văn xưa kia, tức là trang điểm, phục trang, đạo cụ và múa hát minh họa đều có đầy đủ. 200 chỗ trong studio của Radio France hôm ấy chật kín khán giả, khiến tôi có cảm giác như mình đang hát ngay tại chính Tổ quốc mình”, NSƯT Văn Ty nhớ lại.

Cũng phải nói rằng chầu văn được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng là nhờ nghệ sĩ Văn Ty là người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Ông tự biên soạn bản độc tấu nguyệt Dọc - Cờn - Xá và là người đầu tiên đưa màn hát văn Xá thượng vào đoạn kết chương trình của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Ngoài ra, ông đã thống kê được 500 nghệ nhân hát văn trong thế kỷ trước và là một trong những người góp công tổ chức Liên hoan hát văn đầu tiên tại Hà Nội. Đặc biệt, ông còn là người đầu tiên đưa chầu văn vào vở kịch xiếc Làng tôi - vở xiếc mang đậm bản sắc dân tộc và được biểu diễn hơn ngàn buổi tại Nhà hát Lớn Hà Nội và rạp Hồng Hà, đồng thời biểu diễn hơn 500 buổi ở nước ngoài.

3. Tháng 8-2020, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam kỷ niệm 15 năm ngày thành lập. Ở nơi đó, ông là một trong những người đồng sáng lập (cùng với nhạc sĩ Thao Giang, NSND Chu Thúy Quỳnh...). Trên chặng đường dài phát triển trung tâm, ông và một số đồng nghiệp đã giúp chầu văn, tín ngưỡng thờ Mẫu có chỗ đứng vững vàng trong lòng công chúng; giữ được nếp biểu diễn vào các tối thứ bảy tại tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân. Được biết, hiện nay trung tâm đang kết hợp với Học viện Âm nhạc Huế đào tạo hơn 20 cử nhân, 4 thạc sĩ và đáng mừng là các học viên này đều đã phát huy được năng lực trong các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Văn Ty tham gia giảng dạy tại nhiều câu lạc bộ về ca trù và nói chuyện về văn hóa dân gian ở nhiều trường đại học. Ông đang cùng nhạc sĩ Thao Giang, NSND Xuân Hoạch cấu trúc lại một số bài thơ của các nhà thơ lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính... để đưa lên sân khấu hát văn - hoạt động đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về chầu văn.

Với “con mắt nhà nghề” của nhà nghiên cứu chầu văn, ông còn nhiều băn khoăn về loại hình âm nhạc dân tộc này. Đó là việc một số cung văn “vào tay” bà đồng trở nên sến súa, không còn linh thiêng theo tính chất của chầu văn ngày xưa. Người ta còn làm mất giá trị của hát văn khi đưa vốn cổ vào đám cưới, lễ mừng sinh nhật... “Quan điểm của tôi là di sản văn hóa phi vật thể nên để mọi người được thưởng thức, nhưng vấn đề là chúng ta đưa lên sân khấu bằng cách nào? Múa minh họa thế nào, âm nhạc ra sao? Tôi cho rằng chầu văn đang bị biến dạng, bị “thương mại hóa”. Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay chúng ta đã xuất bản một số sách về hát văn nhưng phần lớn “lẫn” trong lý luận văn hóa, chưa có sách chuyên môn đề cập sâu đến hát văn”, nghệ sĩ trăn trở.

Tuy nhiên, NSƯT Văn Ty cũng đầy lạc quan khi cho biết: “Dần dần người ta sẽ quay trở lại với giá trị dân gian”. Có lẽ vì sự tin tưởng ấy mà ngày ngày người nghệ sĩ gốc thành Nam ấy vẫn không thôi đau đáu, tâm huyết với từng tiếng đàn, câu hát, những mong loại hình âm nhạc truyền thống này giữ được sức sống mãnh liệt trong đời sống.

NSƯT Văn Ty sinh năm 1953 tại xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Ông là một trong số ít nghệ sĩ biết đàn, hát, gõ, nắm được đầy đủ niêm luật, lề lối của các bậc nghệ nhân hát văn xưa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ ưu tú Văn Ty: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn chầu văn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.