Hiện nay, những quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, mức độ ngày càng cao, biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây ra những tác động tiêu cực và hậu quả khó lường, làm tổn hại to lớn đến tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.
Do đó, việc nhận diện chính xác các quan điểm sai trái, thù địch, từ đó đề xuất những biện pháp đấu tranh hiệu quả là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời kỳ mới.
Quan điểm sai trái, thù địch luôn xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với nhiều mức độ, thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn biến ngày càng phức tạp, phạm vi chống phá ngày càng rộng lớn. Đặc biệt, trong suốt thời gian từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước thường bám vào các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, dân chủ để đưa ra những quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.
Bản chất của việc tiến hành những “quan điểm sai trái, thù địch” là nhằm mục tiêu xóa bỏ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam; muốn Việt Nam từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; thay đổi chế độ chính trị theo hướng biến Việt Nam thành “sân sau”, thành bộ phận lệ thuộc vào hệ thống tư bản chủ nghĩa trên thế giới. Trong đó, “coi việc chống phá Đảng Cộng sản là một nhiệm vụ cơ bản, một khâu đột phá quyết định”[1].
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trên thế giới hiện có khoảng 300 tổ chức phản động người Việt lưu vong và hàng chục cơ quan đặc biệt, các tổ chức nước ngoài có hoạt động chống phá Việt Nam. Các thế lực thù địch đã tận dụng công cụ thông tin hiện đại - mạng internet để truyền bá các quan điểm sai trái, hành động chống phá chế độ ta với mức độ ngày càng quyết liệt.
Cụ thể, chúng tìm mọi cách đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, đòi đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch hiểu rất rõ việc tấn công trực diện vào tư tưởng Hồ Chí Minh rất khó, vì vậy chúng đã đi đường vòng, tìm mọi cách đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là một chiêu trò rất nguy hiểm, thực chất đó không chỉ là sự phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn xuyên tạc, bóp méo, cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh; từ đó, chúng khuyên chúng ta không nên lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chúng chống phá những thành tựu xây dựng, phát triển đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việt Nam đang vững bước tiến lên trên con đường xây dựng xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phồn vinh, hạnh phúc với nhiều thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do quá độ lên chủ nghĩa xã hội chưa có tiền lệ trong lịch sử, nên không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm. Đảng ta nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận, đúc rút kinh nghiệm, bài học để lãnh đạo công cuộc đổi mới ngày càng phù hợp với các quy luật phát triển khách quan của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động cố tình khoét sâu, thổi phồng những sai lầm, phủ định những thành tựu chúng ta đạt được hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo, đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các thế lực thù địch dùng những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt đối với cá nhân một số đồng chí lãnh đạo, các lãnh tụ của Đảng. Chúng đã xuyên tạc, bôi đen lý lịch, đời tư của một số đồng chí lão thành cách mạng; đổi trắng thay đen, tung hỏa mù gây nghi ngờ trong dư luận về phẩm chất đạo đức, năng lực và lý lịch gia đình; gây chia rẽ nội bộ trong Đảng. Đặc biệt, các thế lực thù địch hay tung hỏa mù làm cho thế hệ trẻ ít hiểu biết và đông đảo quần chúng nhân dân không có thông tin, hiền lành, chất phác dễ tin và dễ bị lừa bởi thông tin mập mờ không rõ. Mục đích của các thế lực thù địch là gây nghi ngờ trong nhân dân về uy tín của cá nhân các đồng chí lãnh đạo; từ đó hạ thấp uy tín cá nhân một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để hạ uy tín của Đảng. Các thế lực thù địch thường lợi dụng công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội tung tin giả, làm nhiễu thông tin. Do vậy, chúng ta phải rất thận trọng khi tham gia các trang mạng xã hội; không vội hùa theo những thông tin trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng, xác thực.
Chúng xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng. Hiện nay, lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, với nhiều hình ảnh cắt ghép, lời lẽ bình luận xuyên tạc bóp méo, nhân các dịp kỷ niệm lớn của dân tộc, của Đảng, các thế lực thù địch đã liên tục xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng. Sự chống phá này có tính hệ thống với mục đích cuối cùng là “đổi trắng thay đen lịch sử”, từ đó lớn tiếng đổ lỗi cho chúng ta về một số cuộc chiến tranh đã diễn ra. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã cố tình không biết rằng, Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn muốn chung sống hòa bình với nhân dân các dân tộc trên thế giới. Chỉ khi nào bị các thế lực ngoại bang xâm lược, nhân dân Việt Nam mới cầm vũ khí để chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Đặc biệt, khi chiến tranh kết thúc, với tinh thần “Gác lại quá khứ/Hướng tới tương lai”, Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Vì thế, những lời lẽ xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng của các thế lực thù địch chỉ là âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam không ngừng nghỉ.
Các thế lực thù địch chống phá tổ chức của Đảng. Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đạo đức, văn minh, đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu là nhiệm vụ, mục tiêu xuyên suốt, cốt lõi, bảo đảm sự tồn tại và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Cách mạng Việt Nam. Trong công tác tổ chức Đảng, các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá các nguyên tắc xây dựng Đảng, đặc biệt là nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Chúng thường rêu rao luận điệu: “Thực hiện tập trung dân chủ sẽ dẫn đến mất dân chủ trong Đảng, làm cho Đảng rơi vào độc đoán, chuyên quyền” và tích cực tuyên truyền, khuyến khích thực hiện “dân chủ tuyệt đối”, “dân chủ phi chính trị”. Với chiêu bài này, các thế lực thù địch, phản động hướng đến mục tiêu phá vỡ sự thống nhất, đoàn kết của Đảng, âm mưu làm tê liệt hoặc tan rã tổ chức Đảng, làm cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, của đảng viên suy yếu dần, tạo “mảnh đất” màu mỡ cho việc phát triển các “thế lực dân chủ”.
Một là, cần đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; chính sách của Nhà nước Việt Nam để đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, cần phân biệt rõ quan điểm thù địch, quan điểm sai trái và xem xét chúng thuộc loại nào, trên cơ sở đó có các phương pháp đấu tranh, phê phán cụ thể, phù hợp và hiệu quả. Trong đó, đối với các quan điểm thù địch, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống lại, bác bỏ toàn diện, triệt để trên nhiều phương diện lý luận, pháp lý, lịch sử, khoa học và thực tiễn.
Hai là, trong bối cảnh tình hình mới cần đặc biệt coi trọng việc kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Chúng ta cần đa dạng hóa nội dung, phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nhiều cấp độ, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực và mỗi tầng lớp nhân dân.
Ba là, tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã đề ra, nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, không chỉ là công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mà là của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bốn là, tăng cường các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để phát hiện sớm, ngăn chặn tận gốc nguồn phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn các trang mạng độc hại. Đồng thời, xây dựng mới các trang mạng, báo chí có nội dung đấu tranh của ta bám sát thực tiễn, tuyên truyền sâu rộng với lập luận sắc bén, “chắc tay”, thuyết phục về các thành tựu phát triển của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các định hướng, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, từng bước giành thế chủ động, làm chủ thế trận tiến công về thông tin tư tưởng, lý luận trên internet.
Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc “đấu tranh không ngừng nghỉ”. Việc nhận diện chính xác “từ sớm”, “từ xa” để có những biện pháp đấu tranh kịp thời, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay, và càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nam
(Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng)
-----------
[1] Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.301.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.