(HNMCT) - Sau nhiều năm vắng bóng trên sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Tú vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mà. Cô gái Hà Nội gốc ngày ấy vẫn đắm say khi nói về sân khấu, vẫn nồng nhiệt chia sẻ về giấc mơ cuộc đời.
Nghệ sĩ Thanh Tú trả lời điện thoại với giọng hân hoan: “Vở diễn mới của cô đã dựng xong, còn sân khấu thì đang hoàn thiện. Vẫn còn bộn bề lắm, nhưng cô vui...”. Và, khi gặp trực tiếp bà ngoài đời, niềm hạnh phúc ấy tiếp tục được lan tỏa qua cách bà tâm đắc chia sẻ về những vở kịch, những vai diễn và tâm huyết dành cho một sân chơi nghệ thuật đang thành hình.
Gần 80 tuổi, ở nghệ sĩ Thanh Tú vẫn toát lên vẻ trẻ trung, yêu đời, năng nổ tham gia hoạt động nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng. Tình yêu và đam mê sân khấu vẫn vậy. Lý tưởng phục dựng một sân khấu hàn lâm vẫn vẹn nguyên. Lối diễn xuất thần và tài nhớ thoại độc đáo vẫn là nguyên bản. Chỉ khi nói về gia đình mới le lói xuất hiện nhịp chông chênh.
Tái xuất vì giấc mơ của riêng mình
- Trở lại sân khấu sau nhiều năm vắng bóng, cảm xúc của NSƯT Thanh Tú có thể diễn đạt như thế nào?
- Tôi trở lại sân khấu vì một giấc mơ! Tôi trăn trở và tiếc nuối khi chứng kiến sân khấu hàn lâm, sân khấu bác học đang dần mai một. Ngôn ngữ văn học trong sân khấu đang bị lấn át bởi lối nói nôm na. Bây giờ, người ta phải chạy theo hài kịch với tiếng cười nhiều khi nhạt nhẽo, nhiều nhà hát phải chạy theo thị hiếu.
30 năm trước, những người thầy của tôi như Xuân Trình, Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang… đã góp phần duy trì sân khấu bác học. Tôi rất muốn sân khấu ấy tồn tại. Tôi muốn tìm lại và ấp ủ giấc mơ về một sân khấu như thế. Tôi tha thiết mong mỏi những người trẻ hôm nay đi đúng con đường mà thế hệ của tôi đã tạo dựng bằng tất cả tình yêu và đam mê của mình.
Trong suốt 2 năm, vì ý tưởng góp phần phục dựng sân khấu hàn lâm, tôi đã mải miết nỗ lực. Và, thật may mắn là tôi đã làm được, dù khó khăn không thể kể hết. Tôi mong mình thành công với mô hình sân khấu thử nghiệm mang tên “Sao Xanh”. Sắp hoàn thiện rồi. Vở diễn mà tôi tâm đắc cũng đã hoàn thành. Giờ đây, tôi đã phần nào nhẹ nhõm.
- Một ý tưởng được thai nghén qua nhiều năm, và thêm 2 năm để hiện thực hóa. Khán giả có thể kỳ vọng những gì?
- “Sao Xanh” là mô hình sân khấu nhỏ, nơi nghệ sĩ tương tác trực tiếp với khán giả. Mỗi vở diễn chỉ đón 100 khách, thậm chí 50 khách thôi. Khán giả chọn lọc, vì sân khấu quy tụ những nghệ sĩ không có danh hiệu hay chức tước. Một sân khấu thử nghiệm mang hơi hướng hàn lâm của Thanh Tú sẽ ra đời. Không Mạnh Thường Quân, không một đồng hỗ trợ từ bên ngoài, nguồn lực góp sức cũng hạn chế, nhưng cứ tự mình gồng gánh, vun vén rồi cũng xong. Phải nói là tôi tự hào lắm!
- Một ý tưởng độc đáo, nhưng tương đối kén khán giả! Bà có lo lắng về sự đón nhận của công chúng? Bởi thời đại này, người ta thích chạy theo kiểu nghệ thuật mỳ ăn liền, tương tác cũng quan trọng, nhưng tính tiện lợi được đề cao hơn thế...
- Tôi nỗ lực trước hết là cho chính mình. Tôi đam mê và dấn thân, vì những gì mình trân quý và vì cả những người thầy rất tâm huyết với nghệ thuật sân khấu. Chính họ đã đưa tôi vào nghề, cho tôi kiến thức về sân khấu, về điện ảnh, cho tôi cả danh tiếng. Tôi nghĩ, việc của mình là phải tri ân tất cả những người đó. Và tri ân cả sân khấu này nữa.
Thanh Tú tin rằng, bằng tâm huyết và lòng yêu nghề cùng những gì đã tích lũy được trong suốt một đời làm nghệ thuật, tôi có thể làm sân khấu này sống lại. Tôi cần khán giả chứ, nhưng tôi chọn lọc đối tượng khán giả riêng để phục vụ. Tôi vẫn tin: Trong 100 khán giả của sân khấu vẫn còn mươi người thích xem chính kịch, hài kịch theo kiểu hàn lâm.
- Nhiều người thấy nghệ sĩ Thanh Tú trở lại sau nhiều năm vắng bóng thì cho rằng, bà đang cố lấy lại vầng hào quang của thời kỳ từng được xem là vàng son của sân khấu?
- Tôi từng sống trong ánh hào quang, liên miên đi diễn, được chào đón, được tung hô. Thế là đủ rồi. Ở tuổi này, tôi không gồng mình để cố lấy lại điều gì. Ngày trở lại, tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình có một ước mơ và nỗ lực hết sức để thực hiện điều đó.
- Nghệ sĩ Thanh Tú chỉ nói về ước mơ. Vậy, danh vọng có quan trọng? Bởi mãi cho tới giờ khán giả vẫn chưa thấy NSƯT Thanh Tú làm hồ sơ xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân...
- Khao khát lớn nhất của tôi là được làm nghề, được là Thanh Tú như người ta vẫn thấy. Danh xưng không làm nên vị trí của người nghệ sĩ trong lòng công chúng. Tài năng, cống hiến nghề nghiệp đến đâu sẽ có khán giả ghi nhận. Tôi không chạy theo những phù phiếm bề ngoài, bởi tôi thấu hiểu giá trị của hai từ "nghệ sĩ". Địa vị là tạm thời, vinh quang là quá khứ, chỉ có sức khỏe mới là của mình.
Vẫn coi tình yêu là lẽ sống cuộc đời
- Không còn trẻ nhưng còn sức khỏe, kinh tế không phải lo nghĩ nhiều, nhưng sao vẫn có cảm giác rằng nụ cười tưởng như tếu táo, điệu đà của nghệ sĩ Thanh Tú vẫn gợn lên nỗi buồn, những tâm sự ẩn giấu?
- Đúng, nhưng nghĩ cho cùng, ai cũng có nỗi buồn. Tôi buồn chứ, buồn lắm, buồn nhiều thứ. Không ai thích sống cô đơn như thế này. Nhưng tôi tự nhủ, bản thân mình phải tự hóa giải điều đó. Tôi theo đạo Phật nên cũng học cách tự đối diện và chấp nhận nỗi cô đơn. Con người khi chào đời bằng tiếng khóc vì cuộc đời nhiều nỗi buồn. Tôi vẫn nói với con tôi thế này: “Sống như thế nào để khi con chào đời thì mọi người cười, con khóc, nhưng khi nhắm mắt lìa đời thì mọi người khóc, con cười”.
- Bà nặng lòng, suy nghĩ nhiều là vì con cái?
- Đối với tôi, những người chồng cũ, kể cả một vài người đàn ông có tình cảm khác đến bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Cái còn lại của tôi vẫn là con cái. Tôi sống hết lòng vì con.
- Và tình yêu thì sao, bà vẫn đợi, vẫn chờ?
- Tôi chờ chứ! Bao nhiêu năm nay tôi vẫn đợi một hiệp sĩ. Dù điều đó không bao giờ đến..., nhưng nếu như tôi không chờ thì tôi chẳng có lẽ gì để sống nữa.
- Cảm ơn NSƯT Thanh Tú về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.