Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày thứ ba: “Biển động”

Thanh Hải| 25/05/2014 05:33

(HNM) - Những ngày lênh đênh trên biển tôi mới hiểu hết nỗi nhọc nhằn của đời ngư phủ. Để có cá đầy khoang, bà con phải đương đầu với muôn trùng sóng gió, bão tố và mối đe dọa hiểm nguy ngay tại ngư trường truyền thống của mình.



Đi theo tàu cá, giữa những ngày biển lặng nơi Hoàng Sa, chúng tôi vẫn không thể buông lưới khai thác trên vùng biển của chính mình. Sự ngăn cản, uy hiếp của các tàu cá Trung Quốc đã gây khó khăn rất lớn cho cả đội tàu ở Đà Nẵng, Quảng Nam...

Tàu cá Trung Quốc luôn gây hấn với tàu cá Việt Nam tại ngư trường truyền thống.


3h sáng, cả tàu choàng tỉnh bởi thứ âm thanh chát chúa và ánh sáng chói lóa rọi thẳng từ phía sau lên ca bin và khoang ngủ của các ngư dân. Bật dậy nhanh thoăn thoắt, thuyền trưởng Nguyễn Đình Sinh phi lên ca bin đồng thời hô lớn: "Kéo dù!". 5 người lao nhanh ra mũi, người cuốn thừng, người kéo dây, còn lại nhanh chóng thu dù neo giữ tàu khỏi trôi lên boong. Máy nổ, tàu chao nghiêng, rú ga vọt đi. Khi những vệt pha chếch sang hướng khác, phóng lên ca bin cùng thuyền trưởng, tôi mới nhìn rõ 2 tàu sắt của Trung Quốc lừng lững vừa gí sát, uy hiếp đe dọa tàu DNa 90508. Anh Sinh nói: "Mình không nhanh là nó đâm đấy, dù chạy tốc độ chậm, nhưng dòng hải lưu sẽ đẩy tàu mình va vào tàu nó".

Quan sát xung quanh, nhìn thấy các tàu DNa 90235, DNa 90352, DNa 90039 cùng mở tốc lực bên cạnh. Phía xa, đội tàu của Quảng Nam cũng đồng loạt nổ máy. Mặt biển loang loáng nhiều vệt sáng. Thì ra, không phải 2 tàu cá Trung Quốc tới ngăn cản, uy hiếp chúng tôi mà có tới hơn 40 "khối sắt" tới đe dọa đội tàu cá Quảng Nam và Đà Nẵng. Giữa đêm tối, tầm quan sát hạn chế, tiếng Đội trưởng đội tàu cá Đà Nẵng Trương Văn Hay, thuyền trưởng tàu DNa 90235 hét lên qua icom: "Các tàu thông báo. Ai làm sao không?". Lần lượt các tàu báo về trên hệ thống icom. An toàn cả! Ngó sang mới thấy nét mặt vị thuyền trưởng DNa 90508 giãn ra đôi chút nhưng sự căng thẳng, tập trung chưa hẳn đã hết. Chạy nửa giờ, tôi và anh không nói với nhau câu nào. Sự lo lắng trong tôi bắt đầu xuất hiện. Không phải lo về an toàn của mình mà nghĩ, liệu đội tàu Đà Nẵng, Quảng Nam có trụ vững ở biển Hoàng Sa hay không? Khi còn trên bờ, qua thông tin báo chí về tình hình Biển Đông, tôi biết lực lượng hải giám, hải cảnh, ngư chính Trung Quốc đã cố tình đâm va, phun nước vào lực lượng tàu kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam khi tiến sâu vào khu vực nơi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép để thực hiện nhiệm vụ chấp pháp.

Nhưng giờ đây, trước mắt tôi, tàu cá Việt Nam đang neo giữ trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của mình thì sự gây hấn kia là thế nào? Những khối sắt to, đen sì gấp 5 lần công suất tàu cá Việt Nam, chỉ cần va chạm nhỏ, sự hư hỏng của tàu gỗ mình là rất lớn. Giữa đại dương bao la, cách Đà Nẵng tới 180 hải lý, nếu xảy ra va chạm, thật khó cho đường về an toàn của bà con ngư dân.

- Tụi ni làm riết quá - Cắt ngang mạch suy nghĩ của tôi, anh Sinh nói - Ở Hoàng Sa, dòng hải lưu chảy mạnh, tàu mình đã buông dù neo giữ, nhưng nó vẫn đẩy tàu tiến gần tới giàn khoan.

- Cách mấy hải lý? Tôi hỏi anh.
- Khoảng hơn 5 hải lý.

Bữa sáng, bữa chính của ngư dân được dọn nhanh trên tàu. Không ai nói nhiều. Không khí chùng xuống. Dũng bực dọc: "Đánh bắt sao với lũ này, thử ăn thua với nó xem sao? Bão lớn, sóng to còn đương đầu được, huống chi...". Không để Dũng nói hết, anh Sinh quát luôn: "Không được manh động. Mọi việc chú làm là phải theo tập thể. Cả đội tàu đã thống nhất ra đây khai thác là để khẳng định chủ quyền của mình ở ngư trường truyền thống. Chú đừng sa đà, mắc bẫy tụi nó".

Bữa sáng kết thúc nhanh. Ai về công việc nấy. Tôi theo thuyền trưởng lên ca bin lái. Cuộc trao đổi nhanh qua icom giữa các tàu đã đi đến quyết định, đội tàu của Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ dựa vào nhau để tiến vào giàn khoan cùng biểu thị chủ quyền, phản đối hành động xâm phạm của Trung Quốc. Icom thông báo tới toàn tàu DNa 90508 để mọi người chuẩn bị. Phía bên hông, các tàu DNa 90235, DNa 90352, DNa 90039 - thuộc biên đội của anh Sinh - đã sát cánh. Khoảng cách thu hẹp dần, 8, 7, 6 hải lý.

Cùng lúc, đội tàu cá Trung Quốc bắt đầu rục rịch, di chuyển với số lượng lớn, phía sau xa xa là vài tàu hải giám Trung Quốc hỗ trợ. Cách 6 hải lý, tàu của tôi bị 3 tàu sắt Trung Quốc mang số hiệu 98006, 98004, 71075 vây hãm. Bên hông là tàu xanh 98006 kèm. Con tàu 98004 án ngữ ngay trước mũi, nằm ngang và không di chuyển. Nếu ta tiến coi như lao thẳng vào nó. Di chuyển vòng ra phía sau, con tàu đen trũi 71075 được gia cố, lắp mũ sắt nhọn như lưỡi lê đằng trước, cùng mỏ neo nhọn, bên sườn gồ lên đoạn sắt được tạo răng cưa, đang tăng tốc gí sát chúng tôi. Khoảng cách ngày một rút gần. Tình hình căng hơn dây đàn. Tiến thẳng thì đâm vào tàu phía trước, chậm rất dễ bị 71075 húc, còn bên hông, tàu xanh to gấp 5 lần mình, lố nhố vài người đứng quay phim, chụp ảnh. Quan sát ra phía xa các tàu đồng đội cũng bị kẹt cứng trong vòng vây của tàu cá Trung Quốc. Tình thế tưởng chừng như không có lối thoát, thuyền trưởng Sinh bỗng đột nhiên tăng tốc, mở hết lái sang phải. Con tàu chao nghiêng, lách qua đuôi tàu 98004, phả đằng sau lớp khói đen ngòm. Biết là không thể tiến gần giàn khoan, qua icom, các đội tàu thông báo lui lại ra xa. Khi đã ở vị trí an toàn, anh Sinh mới nói: "Nếu mình tiến thẳng mà chiếc tàu sắt đằng mũi cố tình đi vào hướng mình di chuyển, các tàu bên hông sẽ quay phim, chụp ảnh, sau đó lu loa lên rằng ngư dân mình chủ động gây hấn".

Cả ngày hôm đó, không lúc nào các tàu cá của ta được yên tâm thả lưới đánh bắt mà luôn đối phó với sự truy đuổi, cản phá quyết liệt. Thậm chí khi tàu cá mình ra xa, buông dù neo giữ, thì tàu họ vẫn áp sát.

Chiều tối, liên lạc qua icom, Đội trưởng đội tàu cá Đà Nẵng Trương Văn Hay thông báo, đội tàu cá của Quảng Nam đã gặp sự cố. Trong ngày hôm nay, tàu QNa 91559 đã bị tàu cá Trung Quốc đâm gãy cọc chống phía sau, ca bin bị hư hại. Một bên giàn đèn câu mực cũng vỡ nát...

Một ngày mệt mỏi với quá nhiều tình huống nguy hiểm. Nếu không vì sự dạn dày kinh nghiệm đi biển, cộng với bản lĩnh và thao tác chính xác đến tuyệt đối, đội tàu cá của ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng khó có thể vẹn toàn. Thế nhưng, vượt lên tất cả, giữa trùng khơi này, tôi lại thấy niềm lạc quan của các ngư dân. Anh em đoàn kết vượt qua hiểm nguy để rồi khi thoát nạn, qua sóng icom, những pha rượt đuổi lỡ đà của tàu cá Trung Quốc lại trở thành chủ đề bàn phiếm. To xác nhưng vẫn thiếu sự tỉnh táo. Niềm lạc quan ấy đã tiếp sức cho tôi trong hành trình kế tiếp để bám biển cùng ngư dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày thứ ba: “Biển động”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.