(HNMO)- Chiều nay 23/2, tại cuộc họp báo về Ngày Thơ Việt Nam 2010, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 diễn ra tại Văn Miếu- Hà Nội vào đúng ngày Rằm Nguyên Tiêu (tức 28-2), sẽ là đại lễ hội thơ ca kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
(HNMO)- Chiều nay 23/2, tại cuộc họp báo về Ngày Thơ Việt Nam 2010, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 diễn ra tại Văn Miếu- Hà Nội vào đúng ngày Rằm Nguyên Tiêu (tức 28-2), sẽ là đại lễ hội thơ ca kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Sẽ là một đại lễ hội thơ ca
Theo ông Hữu Thỉnh, Ngày thơ Việt Nam năm nay được tổ chức khá công phu với qui mô hoành tráng, rộng lớn và sẽ là một “đại lễ hội thơ ca”, diễn ra trên mọi miền đất nước với nhiều hoạt động sẽ được tổ chức trong suốt ba ngày, từ 13-15 tháng Giêng âm lịch. Đây cũng được coi là sự kiện văn hóa đầu tiên, mở đầu cho chuỗi các sự kiện văn hóa được tổ chức trong năm 2010, hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Chương trình được bắt đầu từ ngày 13 tháng Giêng, là ngày tôn vinh thơ dịch, có sự tham gia của một số dịch giả nước ngoài, được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Nga, Hà Nội. Ngày 14 tháng Giêng, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho các nhà thơ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và các nhà thơ, nhà văn mới mất. Tiếp đó, chiều và tối ngày 14-1 âm lịch, tại Văn Miếu- Hà Nội, sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn vinh thơ như khai mạc sân thơ dân tộc, đêm chung kết cuộc thi thơ sinh viên. Không chỉ thế, Ngày Thơ năm nay được đầu tư khá kỹ lưỡng cả trong nội dung lẫn cách thể hiện. Ngày thơ không chỉ vừa thể hiện được sự tôn vinh truyền thống, trân trọng nét hiện đại mà còn phải thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, những người nuôi dưỡng nàng thơ.
Điểm nhấn của Ngày Thơ Việt Nam năm nay là Lễ rước lửa thiêng từ Đền Thượng ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng về Hà Nội, với các điểm dừng chân tại Việt Trì, chân cầu Thăng Long và trung tâm lễ hội là Văn Miếu. Ngọn lửa thiêng sẽ được thắp sáng trong suốt thời gian diễn ra ngày hội. Bên cạnh Lễ rước lửa thiêng còn có Lễ rước Chiếu dời đô cũng là nét mới của Lễ hội thơ năm nay.
Năm nay, với ý muốn Ngày Thơ sẽ để cho tiếng thơ được vang lên, không để nhạc át mất thơ, Ban tổ chức sẽ chú trọng các hoạt động đọc thơ, ngâm thơ, xuyên suốt các tác phẩm từ thơ cổ, thơ Bác, thơ thời đại Hồ Chí Minh, thơ phổ nhạc...
Nét khác biệt rõ nhất năm nay là sự trang trí có đổi mới, thể hiện sự hội tụ tinh hoa thơ ca của cả nước bằng “rừng thơ” với cây trăm miền ở hai bên lối vào VănMiếu. Sẽ có 63 cây thơ đại diện cho thơ ca 63 tỉnh, thành cả nước được dựng tại đây là hàng loạt các hoạt động tôn vinh nàng thơ cũng sẽ được tổ chức như trưng bày, thể hiện hàng trăm các tác phẩm liên quan tới thơ. Cây thơ dân ca dân tộc, lễ thả thơ, trình diễn thơ, sân thơ thiếu nhi, vườn thơ đất nước, thơ được in trên gốm sứ Bát Tràng... cũng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng sẽ góp phần làm cho Đêm hội Thơ rằm Nguyên Tiêu trở thành một Lễ hội tôn vinh thơ ca Việt Nam thực thụ.
Để Ngày thơ trở thành một Lễ hội chuyên nghiệp
Với mong muốn đưa thơ đến gần với công chúng hơn, và mong muốn Ngày thơ Việt Nam trở thành một lễ hội thơ chuyên nghiệp, vừa là dịp để các nhà thơ giao lưu với bạn đọc. Nhà thơ Đỗ Trung Lai, thành viên Ban tổ chức cho biết, ông đã phải vất vả suốt hai tháng nay đến mức “mất ăn Tết” để chuẩn bị cho triển lãm vườn thơ trên gốm sứ, vì thời gian chuẩn bị quá gấp. Để làm được các sản phẩm gốm sứ có khắc thơ phải được làm trong thời gian 6 tháng. Lúc đầu Ban tổ chức dự kiến sẽ làm khoảng 1000 sản phẩm gốm: bình, lọ hoa, đĩa sứ được khắc thơ và nung, nhưng các nghệ nhân giỏi nhất của Bát Tràng làm cũng không tránh được sự méo, hỏng nên đành chấp nhận số lượng rút đi còn một nửa. Ngoài ra, việc khắc thơ trên gốm cũng yêu cầu phải rất kỳ công, từ việc lựa chọn câu thơ cổ, dịch ra tiếng Hán, phiên âm tiếng Hán, Tiếng Anh, và tiếng Việt…rất khó khăn. Nếu thời gian gấp quá, các nghệ nhân đành dùng phương pháp dán đề can lên rồi nung.
Ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết thêm, Ngày thơ Việt Nam 2010 sẽ là ngày hội, tạo ra sự đa dạng khi thưởng thức thơ cho công chúng, chứ không phải tạo ra sự đối lập giữa thơ cũ và thơ mới, thơ trẻ và thơ già. Công chúng yêu thơ chỉ quan tâm tới thơ hay và thơ dở mà thôi.
Hơn nữa, đây là năm thứ 8 Ngày thơ Việt Nam được tổ chức, vì vậy chúng tôi cố gắng làm mới, không lặp lại những cái cũ để công chúng không thấy nhàm chán. Tuy nhiên, cái khó khăn của Hội Nhà Văn Việt Nam gặp phải đó là thành viên của Hội đều là các nhà văn, nhà thơ không quen tổ chức nên sẽ có nhiều thiếu sót. Nhưng năm nay, với quyết tâm cao, Ban tổ chức đã thuê hẳn một công ty bảo vệ chuyên nghiệp để giữ an ninh, trật tự cho ngày hội, đảm bảo cho việc trình diễn sân khấu thơ được trang nghiêm. Ngay từ bây giờ, Ban tổ chức đã trăn trở cho việc tổ chức “Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9” sẽ có những cái mới lạ hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.