Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày Sách Việt Nam 21-4: Sách - Tri thức và phát triển xã hội

Mai Hoa| 21/04/2017 06:17

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 năm 2017, chủ đề


Bạn đọc chọn sách trong Ngày Sách Việt Nam 2017, đang diễn ra tại Thư viện Quốc gia.Ảnh: Bá Hoạt


Tri thức từ những trang sách

Sáng 20-4, tại Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội), Ngày hội sách năm 2017 đã được tổ chức. Một tiếng trước giờ khai mạc, sân khấu chính - nơi tổ chức lễ khai mạc và các sân khấu phụ, bao gồm khu vực thi kể chuyện theo tranh, thi nhận diện tác giả - tác phẩm... đã tấp nập bạn đọc nhiều lứa tuổi tham gia. Chương trình của Ngày hội sách được đầu tư có chiều sâu, bao gồm các hoạt động giao lưu, tọa đàm giới thiệu sách, có sự vào cuộc của nhiều ban, bộ, ngành trung ương và một số Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Hà Nội... Chính sự chung tay một cách nghiêm túc của rất nhiều cơ quan, tổ chức cho thấy hoạt động này đã dần đi vào nếp và trở thành món ăn tinh thần của người dân Thủ đô.

Không phải ngẫu nhiên chủ đề "Sách - Tri thức và phát triển xã hội" được lựa chọn. Theo Giám đốc Thư viện Quốc gia Kiều Thúy Nga, thông qua chủ đề này, Ban tổ chức muốn khẳng định vai trò quan trọng của sách trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn của đọc sách đối với việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện và bồi đắp nhân cách con người. Chủ đề nêu trên cũng chính là sự tiếp nối mạch xuyên suốt cho chủ đề chung “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng” mà Bộ Thông tin - Truyền thông đề ra trong Kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam 21-4 lần thứ 4 trên toàn quốc.

Về vấn đề này, Cục Phó cục Xuất bản - In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: "Chúng tôi chọn chủ đề gắn kết giữa sách với sự phát triển tri thức cộng đồng nhằm đẩy mạnh hoạt động tại các cấp cơ sở, tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng và hiệu quả, huy động sự tham gia của cộng đồng, mọi nguồn lực xã hội trong việc đầu tư phát triển văn hóa đọc, tạo cầu nối giữa người dân với giá trị của từng cuốn sách, giữa nhu cầu sử dụng với mục tiêu phát triển của xã hội".

Chung tay xây dựng văn hóa đọc

Tháng 4 là "Tháng của sách", với rất nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21-4. Chương trình hội sách, các buổi giao lưu, tọa đàm giới thiệu sách được tổ chức tưng bừng ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ nói riêng phong trào hưởng ứng ở Thủ đô cũng có nhiều điều đáng ghi nhận. Nhiều trường học, từ cấp học mầm non cho đến các trường đại học, tất cả đều chủ động nhập cuộc, huy động nguồn lực xã hội hóa để làm nên các ngày hội đọc sách với hình thức tổ chức hấp dẫn, cuốn hút nhiều bạn đọc tham gia. Nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi đã có mặt tại các ngày hội đọc sách, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, khơi dậy tình yêu sách, xây dựng và hình thành thói quen đọc cho con trẻ. Tại các trường đại học, CLB Sách và Thư viện của nhà trường cũng đưa ra nhiều ý tưởng mới, táo bạo trong công tác tổ chức, khiến ngày hội sách thực sự sôi động, cuốn hút với rất nhiều trò chơi tương tác nhằm tìm hiểu tác giả - tác phẩm, đề cao giá trị tri thức trong từng cuốn sách.

Các nhóm dự án "Sách và hành động", "Sách ơi mở ra", "Đọc sách thật phong cách"... đã mở nhiều lớp dạy kỹ năng đọc sách, kể chuyện, viết, cảm thụ văn học... cho trẻ nhỏ, giúp các em phát triển ngôn ngữ thông qua đọc sách, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tự khám phá tri thức hiệu quả, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, từ thiện để kết nối giữa sách và cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng: "Đọc sách, lưu giữ sách, hình thành các tủ sách, thư viện sách là con đường tích lũy, hình thành và phát triển văn hóa đọc. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân chính là động lực và công cụ chủ yếu để thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng nền tảng tri thức trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội". TS Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con chia sẻ: "Muốn đọc sách, cần phải có thời gian. Hãy sắp xếp để cho bản thân mình, con em mình có thời gian đọc sách mỗi ngày".

Ngày Sách Việt Nam chính là dịp để tất cả các đơn vị, tổ chức cùng nhập cuộc, góp sức xây dựng văn hóa đọc. Thế giới đã chứng minh rằng, sách dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới các giá trị nhân văn, nâng đỡ những giá trị tâm hồn. Điều quan trọng là sau sự "xới xáo" về văn hóa đọc được khơi lên thông qua các phong trào ngày hội đọc sách ở các nơi, chúng ta cần duy trì và phát triển nét đẹp này trong đời sống xã hội một cách thường xuyên, bền bỉ hơn nữa.

Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21-4, từ ngày 20 đến 23-4, Thư viện Quốc gia tổ chức các hoạt động triển lãm - trưng bày sách quý; bán sách giá ưu đãi; tổ chức hoạt động quyên góp, tiếp nhận sách tài trợ... Đáng chú ý hôm nay (21-4), Hội sách cũ Hà Nội với chủ đề "Những người giữ hồn sách cũ" sẽ khai mạc tại sân Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám với gần 20 tấn sách cũ thuộc đủ mọi lĩnh vực, trong đó có nhiều đầu sách quý hiếm được đưa tới độc giả. Hội sách sẽ diễn ra đến ngày 23-4.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày Sách Việt Nam 21-4: Sách - Tri thức và phát triển xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.