Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Viễn thông tăng trưởng cao

Việt Nga| 10/01/2018 07:28

(HNM) - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2017 doanh thu lĩnh vực viễn thông tiếp tục tăng trưởng 9,34% so với năm 2016. Đây cũng là lĩnh vực có đóng góp cho ngân sách nhà nước lớn. Đạt kết quả này có sự đóng góp rất quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty viễn thông lớn. Song, không “ngủ quên trên chiến thắng”, các doanh nghiệp này cho rằng, để tiếp tục phát triển cần phải thay đổi chính mình...

Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ của VinaPhone. Ảnh: Hải Anh


Nộp ngân sách đạt 53.368 tỷ đồng

Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức cuối tháng 12-2017, năm qua toàn ngành đạt tổng doanh thu 2.136.191 tỷ đồng, tăng trưởng 9,34% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt 352.198 tỷ đồng, lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 1.723.500 tỷ đồng. Toàn ngành nộp ngân sách nhà nước 94.994 tỷ đồng, riêng hai lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tương ứng với con số 53.368 tỷ đồng và 37.000 tỷ đồng. Từ các số liệu trên có thể thấy, trong tổng doanh thu toàn ngành TT-TT đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, lĩnh vực viễn thông chỉ giữ tỷ lệ bằng 1/7, nhưng lại có đóng góp ngân sách nhà nước cao nhất trong ngành.

Đóng góp quan trọng vào kết quả trên, đầu tiên phải kể đến vai trò của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Năm 2017, Viettel đạt doanh thu 249.300 tỷ đồng; lợi nhuận (trước thuế) là 43.936 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 41.142 tỷ đồng. Tiếp sau là Tổng công ty Viễn thông MobiFone đạt doanh thu 44.234 tỷ đồng, lợi nhuận (trước thuế) là 5.589 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 5.031 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) với tổng doanh thu 144.747 tỷ đồng, lợi nhuận (trước thuế) 5.010 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 4.116 tỷ đồng. So với cả hai đơn vị Viettel và MobiFone, VNPT đạt lợi nhuận và nộp ngân sách thấp hơn cả, tuy nhiên kể từ năm 2014 (thời điểm bắt đầu thực hiện tái cấu trúc) đến nay, đây là năm thứ tư liên tiếp VNPT duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 20%. Điều đó cho thấy, việc thực hiện tái cấu trúc VNPT không chỉ là chủ trương đúng đắn, mà còn giúp VNPT thay đổi khi các chỉ số kinh doanh khởi sắc.

Cũng từ các kết quả kinh doanh của hai tập đoàn Viettel, VNPT và Tổng công ty MobiFone như kể trên đã minh chứng về hiệu quả hoạt động cũng như vai trò của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước lớn. Nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, có nhiều đơn vị thuộc khối các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, không hiệu quả, hay để xảy ra các sai phạm về tài chính..., thì mới thấy hết được ý nghĩa và giá trị mà cả ba đơn vị cùng đạt được. Một ý nghĩa nữa không thể không nhắc tới, trong bối cảnh kinh tế chung khó khăn, không chỉ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, nộp thuế, các doanh nghiệp này còn tạo thu nhập cao và ổn định cho hàng vạn người lao động trong đơn vị...

Luôn thay đổi chính mình

Được biết, cả ba doanh nghiệp Viettel, VNPT, MobiFone đều đang sở hữu một lượng khách hàng lớn lên đến cả trăm triệu thuê bao. Trong đó, Viettel hiện có 66 triệu thuê bao di động (tổng số là 98 triệu thuê bao gồm cả thị trường nước ngoài); VNPT VinaPhone có 31,1 triệu thuê bao; MobiFone có gần 40 triệu thuê bao di động. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và sự phát triển, cả 3 nhà mạng lớn đều đề ra các mục tiêu phát triển.

Theo ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, trong bối cảnh các dịch vụ viễn thông bị tác động không nhỏ từ sự thay đổi trong sử dụng dịch vụ của người dùng, như chuyển sang dùng các ứng dụng OTT như Viber, Zalo..., sử dụng các mạng xã hội ngày càng phổ biến gây khó khăn cho các nhà cung cấp. Vì vậy, doanh nghiệp cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm để thích ứng đối với sự biến đổi nhanh của thị trường viễn thông. Theo đó, Viettel xác định phải đi đầu về công nghệ, đưa nhanh công nghệ mới vào khai thác, kinh doanh.

Trong đó, về công nghệ, Viettel là nhà mạng tiên phong triển khai mạng 4G với vùng phủ rộng khắp trên toàn quốc, phủ tới 98% dân số (nay có 8 triệu thuê bao 4G). Tiếp đó, tập trung vào nghiên cứu sản xuất để làm chủ công nghệ lõi; đồng thời tối ưu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, điều chỉnh mô hình tổ chức, số hóa, hiện đại hóa các quy trình quản lý. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Chiến, Thành viên Hội đồng thành viên MobiFone thì nhấn mạnh, MobiFone đã đẩy mạnh thực hiện nâng cao các giải pháp quản trị doanh nghiệp, rà soát chức năng nhiệm vụ giữa các bộ phận để giảm chồng chéo, xây dựng cơ chế quản lý kế hoạch. Mặt khác tăng cường quản lý cơ chế tài chính, kế toán theo hướng chặt chẽ; giải quyết xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng...

Về vấn đề này, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết, Tập đoàn đầu tư mạnh mẽ cho nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, VNPT ban hành và triển khai quy chế về quản trị tài năng, với mục tiêu trọng tâm là phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu đàn trong các lĩnh vực và lãnh đạo các cấp bảo đảm số lượng và chất lượng. Đồng thời, VNPT đã hoàn thành xây dựng, ban hành quy chế quản trị rủi ro doanh nghiệp, nhằm từng bước tích hợp quản trị rủi ro vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng ngày. Các biện pháp này nhằm tạo chuyển biến trong việc bố trí, sử dụng lao động hiệu quả, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các đơn vị thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Viễn thông tăng trưởng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.