(HNMO)-Sáng nay (8-4), tại Hà Nội, Báo Lao Động đã phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) tổ chức hội thảo “Xã hội hóa (XHH) hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không (CHK), sân bay ở Việt Nam”.
Theo báo cáo của Cục HKVN, trong giai đoạn 2001-2014, ngành hàng không đã thực hiện đầu tư xây dựng trên tất cả các lĩnh vực kết cấu hạ tầng CHK, sân bay, bảo đảm hoạt động bay, đầu tư đội tàu cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của ngàng. Lượng vốn đã huy động được là 125.374 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu chính phủ là 6.154 tỷ đồng (chiếm 5%); Nguồn vốn của các doanh nghiệp là 96.311 tỷ đồng (chiếm 77%); Nguồn vốn ODA do Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) vay lại từ Chính phủ là 17.481 tỷ đồng (chiếm 14%); Nguồn vốn tư nhân là 5.427 tỷ đồng (chiếm 4%). Như vậy, phần vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ chỉ chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn ngành. Còn lại 95% là nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Tuy nhiên nguồn vốn từ khu vực tư nhân mới chỉ chiếm 4%.
Ông Lại Xuân Thanh-Cục trưởng Cục HKVN cho biết: giai đoạn 2015-2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng. Dự kiến khả năng sử dụng nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ là 30.724 tỷ đồng (13,3%), nguồn vốn từ doanh nghiệp 23.968 tỷ đồng (10,1%), nguồn vốn ODA 60.541 tỷ đồng (26,4%), vay thương mại 4.615 tỷ đồng (1,7%). Phần còn lại 110.367 tỷ đồng dự kiến huy động nguồn vốn góp cổ phần và vốn theo phương thức hợp tác công tư-PPP (48,4%) Giai đoạn này ngành hàng không cần lượng vốn đầu tư rất lớn vào kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển, trong khi nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước rất khó khăn, quỹ đầu tư của các doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu.
Vì vậy, để khai thác được các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội thì việc XHH đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước là một nhu cầu cấp thiết. Có thể nói, đến thời điểm này, hành lang pháp lý cho việc XHH kết cấu hạ tầng CHK, sân bay cơ bản đã được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số cơ chế để thực hiện cần tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm thu hút được nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Những yêu cầu mang tính nguyên tắc đối với việc thực hiện XHH đầu tư kết cấu hạ tầng CHK, sân bay bao gồm: Không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia; không chuyển giao hoặc ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, chống lạm dụng vị thế độc quyền; bảo đảm duy trì đồng bộ hoạt động hàng không dân dụng; thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông hàng không của Nhà nước; bảo đảm công khai, minh bạch và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người lao động; bảo các các nghĩa vụ quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.