(HNMO) - Ngày 18-4, tại tỉnh Bình Dương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đến dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo chính quyền và ngành Giáo dục của 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ gồm thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội nghị, 100% đơn vị cấp xã trong vùng Đông Nam Bộ đều có trường mầm non, tiểu học. Hầu hết các xã đều có trường trung học cơ sở, các huyện đều có trường trung học phổ thông.
Tính đến năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, tăng hơn 1.000 cơ sở giáo dục so với giai đoạn năm học 2010 - 2011. Tính đến tháng 6-2022, toàn vùng có 57 trường đại học và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tại vùng Đông Nam bộ tăng dần hằng năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với bình quân của cả nước và thấp nhất trong 6 vùng. Kết cấu hạ tầng các cấp học được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học tăng dần qua các năm, đứng thứ hai trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chỉ thấp hơn Vùng đồng bằng sông Hồng.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục trong vùng tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu vùng Đông Nam Bộ đạt 60,6%…
Các tham luận tại hội nghị đã làm rõ những kết quả đã đạt được, cũng như những thách thức mà ngành Giáo dục 6 tỉnh thành Đông Nam Bộ đang phải đối mặt. Nổi bật trong số đó là do tốc độ tăng dân số cơ học rất nhanh tại các thành phố lớn, các khu vực có các khu công nghiệp, khu chế xuất đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục.
Cùng với đó, áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao nên kết cấu hạ tầng ngành giáo dục chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng số lượng học sinh hằng năm. Số lượng giáo viên bỏ việc, ra khỏi ngành có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn, làm tăng thêm áp lực về vấn đề thiếu giáo viên…
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đề ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ. Theo đó, ngành phải phấn đấu vượt khó vươn lên đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Đông Nam Bộ là vùng đất trẻ, dân số trẻ, là cơ hội tuyệt vời cho giáo dục và đào tạo phát triển hơn nữa. Sau hội nghị này, Bộ sẽ có những định hướng cụ thể hơn để giúp ngành Giáo dục và Đào tạo vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của hệ thống giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ trong thời gian qua. Mặc dù vậy, vùng vẫn còn nhiều hạn chế đã được chỉ ra tại hội nghị. Vấn đề đặt ra hiện tại là nên làm thế nào để giúp giáo dục vùng Đông Nam Bộ vượt qua mọi thách thức, đạt được nhiều thành tích như kỳ vọng.
“Các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển lâu dài, vì vậy cần tiến hành đổi mới các mô hình, tổ chức, đi tiên phong trong các hoạt động để đào tạo, thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng vùng Đông Nam Bộ ngày càng phát triển”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.