Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao năng lực chuyển đổi số

Thanh Tàu| 14/11/2022 07:12

(HNM) - Thời gian qua, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số và đạt những hiệu quả tích cực. Thành phố đang đặt ra 3 mục tiêu lớn, gồm: Xây dựng hệ thống học tập bất đồng bộ và kho học liệu mở; sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích trên nền dữ liệu lớn (Big Data); ứng dụng chuỗi khối (Blockchain) trong quản lý, xác thực và liên thông điểm số, văn bằng, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học.

Giáo viên tại thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Ảnh: Ngọc Thạch

Những hiệu quả bước đầu

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết năm học 2021-2022, ngành đã hoàn thành cơ sở dữ liệu dùng chung, quản lý 2.387/2.387 đơn vị từ giáo dục mầm non đến giáo dục thường xuyên và sử dụng thí điểm 12 phần mềm dạy học trực tuyến với nội dung khai thác từ kho dữ liệu dùng chung này.

Đơn cử, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 đã triển khai số hóa, số hóa và định danh dữ liệu của 42 trường, hơn 2.440 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 32.556 học sinh. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 Lê Thị Bình thông tin: "Các trường đều sử dụng phần mềm quản lý trường học, sổ điểm điện tử, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm quản lý tài chính và phối hợp đồng hành của phụ huynh trong quản lý, giáo dục học sinh".

Nhận xét về vấn đề này, chị Nguyễn Hương Thảo, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Nam Sài Gòn (quận 7) cho biết: "Cùng với nhiều trường khác trong thành phố, trường con tôi cũng đã triển khai phần mềm chuyên dụng. Chỉ cần nhập mã học sinh của con mình, tôi có thể theo sát được từng giờ học, điểm số, sức khỏe, bữa ăn... của cháu. Gia đình cũng có thể tương tác với giáo viên thuận tiện; nộp học phí và tiếp nhận thông báo của nhà trường dễ dàng mọi nơi, mọi lúc".

EMG Education là một trong các đơn vị ký kết hợp tác với ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chuyển đổi số. Cùng với việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục thiết lập phần cứng như đường truyền internet tốc độ cao, hệ thống máy móc lưu trữ dữ liệu, trang thiết bị phục vụ dạy và học..., đơn vị này còn cung ứng một số phần mềm tiện ích. Điển hình là hệ thống học liệu trực tuyến EMG LMS, ứng dụng công nghệ AI giúp học sinh luyện phát âm, phát triển các trò chơi trực quan và sinh động…

Giám đốc Phát triển công nghệ của EMG Education Nguyễn Đức Trung cho biết, từ năm học 2022-2023, EMG Education phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh triển khai ứng dụng việc dạy và học trực tuyến mới, được xây dựng trên nền tảng công nghệ Blockchain, giúp giáo viên và học sinh dù học online nhưng được tương tác trong không gian 3 chiều, tăng độ cảm nhận trực quan để các giờ học trực tuyến cũng hấp dẫn và sinh động như trực tiếp.

Khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu thiếu tập trung

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 Dương Văn Dân cho rằng, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp hữu ích trong nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố. Tuy nhiên, việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin..., từ đó, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ an toàn giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho hay, từ nay đến năm 2025, định hướng đến 2030, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đặt ra 3 mục tiêu lớn về chuyển đổi số, gồm: Xây dựng hệ thống học tập bất đồng bộ (phù hợp từng cấp, từng vùng) và kho học liệu mở làm nền tảng cho xây dựng xã hội học tập; sử dụng AI để phân tích trên nền Big Data cho những đánh giá, định hướng tổng quát, chính xác hơn; ứng dụng Blockchain trong quản lý, xác thực và liên thông điểm số, văn bằng. Để làm được đều này, ngành Giáo dục thành phố sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu gốc của toàn ngành trên cơ sở đồng bộ cơ sở dữ liệu của các bên liên quan, nhằm khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu rời rạc, thiếu tập trung như hiện nay…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn, hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông với hơn 2 triệu học sinh, học viên và hơn 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục nên rất chú trọng chuyển đổi số trong giáo dục để phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn lực này. "Thành phố đã và đang tập trung triển khai các bước để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ để tạo ra môi trường dạy và học ngày càng hiệu quả", ông Dương Anh Đức thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao năng lực chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.