Giáo dục

Ngành Giáo dục sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa để phát triển đội ngũ nhà giáo

Thống Nhất 14/12/2023 - 16:51

Ngành Giáo dục ngày càng nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới, vì vậy sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa để phát triển đội ngũ nhà giáo, từ đó hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục.

hn-1.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Kết luận hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống, các địa phương, các bộ, ngành, việc tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đã bao quát được tiến độ, bao quát được phạm vi, đang đi được vào chiều sâu những vấn đề cần được đề cập đến trong thời gian tới.

Các ý kiến trao đổi, thảo luận đều thống nhất, khẳng định: Giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua đã có những đổi mới to lớn, chuyển biến tích cực. Để có được điều đó, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là Nghị quyết mang tính khoa học, thể hiện tầm nhìn xa rộng và những quyết sách mạnh mẽ của Trung ương Đảng. Cho tới thời điểm này, rất nhiều nội dung quan trọng vẫn đang là quyết sách mang tính chiến lược. “Chúng ta khẳng định giá trị của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ trong sự mở đường cho đổi mới giáo dục, thể hiện tầm nhìn cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ở thời điểm bắt đầu đổi mới, giáo dục xuất phát thấp, khó khăn nhiều, điều kiện khó, kỳ vọng lớn, mong muốn cao... Bởi vậy, những kết quả đạt được 10 năm qua cho thấy sự cố gắng vượt bậc của các bộ, ban, ngành, địa phương, trong đó đặc biệt là vai trò triển khai Nghị quyết của 63 tỉnh, thành phố.

Qua quá trình đánh giá các tỉnh, thành phố, nơi nào Đảng bộ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm thì ở đó đổi mới đạt được kết quả cao. Một số nơi điều kiện khó khăn nhưng sự đổi mới lại đạt được rất tốt. Như vậy, giữa cái khó và đổi mới dường như chỉ là sự ràng buộc tương đối. Nơi nào nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ, sự đổi mới ở đó diễn ra mạnh mẽ hơn. “Chúng tôi nhấn mạnh, cảm ơn các địa phương và mong trong thời gian tới các địa phương sẽ làm tốt hơn nữa những công việc đang làm”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng phân tích kỹ những thách thức mới của giáo dục mà ở thời điểm ban hành Nghị quyết chưa có điều kiện đề cập tới nhiều, trong đó có thách thức về phát triển con người ở thời đại kinh tế thị trường đang phát triển mạnh. Bên cạnh đó, giáo dục và đào tạo còn gặp thách thức mới trong phát triển nguồn nhân lực, khi những yêu cầu về năng lực mới, kỹ năng mới xuất hiện rất nhiều. Số lượng nghề nghiệp đổi mới nhanh, ranh giới rất mờ, liên ngành và tích hợp tăng lên; yêu cầu về sự phát triển nhiều ngành công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh hơn, đời sống cao hơn, việc phân hóa giàu - nghèo lớn lên thì nguy cơ mất bình đẳng trong giáo dục có thể sẽ gia tăng...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thông tin về những đề xuất với Bộ Chính trị nhằm tăng cường sự thích ứng, xử lý, vượt qua những thách thức trong thời gian tới. Bộ trưởng thông tin và nhấn mạnh 3 vấn đề chính gồm: Nhận thức, thể chế và nguồn lực.

Theo đó, nhận thức trong các cấp, các ngành về Nghị quyết số 29-NQ/TƯ vẫn là một vấn đề lớn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần tiếp tục nhận thức về đầu tư cho giáo dục, về tự chủ trong giáo dục, về xã hội hoá giáo dục và các vấn đề chuyên môn của ngành, đồng thời cần sự hành động tương xứng, đến nơi đến chốn.

Về vấn đề thể chế, cần tiếp tục rà soát các văn bản, các bộ luật, xây dựng luật mới, trong đó có Luật Nhà giáo; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho xã hội hoá giáo dục, tự chủ trong giáo dục và mở đường cho những đổi mới khác.

Về nguồn lực, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, toàn ngành ngày càng nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới, vì vậy sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa để phát triển đội ngũ nhà giáo, từ đó hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Giáo dục sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa để phát triển đội ngũ nhà giáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.