Giáo dục

Giáo dục là nơi xác lập những giá trị căn cốt cho mỗi người

Thống Nhất 19/11/2023 22:17

“Thay lời tri ân” là chương trình văn hoá, nghệ thuật đặc sắc đã được tổ chức nhiều năm nay, với những câu chuyện về nghề nhà giáo với nhiều màu sắc, như một lời tri ân với nghề giáo.

tri-an-5.jpg
Các đại biểu, nhà giáo dự chương trình.

Tối 19-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Thay lời tri ân” năm 2023 với chủ đề “Tôi chọn nghề giáo”.

Dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và 200 nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo của cả nước.

tri-an-4.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu.

Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, “Thay lời tri ân” là chương trình ý nghĩa để tôn vinh những đóng góp của các thầy, cô giáo trên khắp cả nước. Thầy giáo, cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn chia sẻ với học trò, gieo hoài bão, thắp lên những ước mơ cho các em.

Thay mặt Chính phủ và với tình cảm cá nhân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi tới các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước lời chúc tốt đẹp, lòng biết ơn chân thành.

“Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”, Phó Thủ tướng nhắc lại thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành Giáo dục, đồng thời nhấn mạnh, trong thế giới rộng mở ngày nay, định hình của một quốc gia, của một dân tộc là bản sắc, là văn hóa. Giáo dục là nơi xác lập những giá trị căn cốt cho mỗi người. Sức mạnh của một dân tộc, của một đất nước không chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có, mà từ tri thức được xây đắp bằng trí tuệ mỗi người.

Ấn tượng với chủ đề “Tôi chọn nghề giáo” của chương trình “Thay lời tri ân” năm nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận, sự lựa chọn chính là điểm khởi đầu trong hành trình vinh quang nhưng cũng đầy nhọc nhằn, gian khổ mà các thầy giáo, cô giáo qua nhiều thế hệ đã đóng góp. “Với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, chúng ta hãy dành tình cảm, sự biết ơn, lời chúc, nụ cười, những đóa hoa tươi thắm nhất đến tất cả thầy, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ.

tri-an-7.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Gửi tới toàn thể các nhà giáo, cựu giáo chức, các cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trường học lời chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn tới toàn thể những người đã và đang chọn nghề dạy học làm sự nghiệp của mình, dù với bất cứ nhân duyên hay lý do nào; đồng thời ghi nhận và cảm ơn những đóng góp to lớn của tất cả các cô giáo, thầy giáo, cả những điều đã được xã hội biết tới và những điều thầm lặng không ai biết tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, ngày 20-11 là ngày tri ân các nhà giáo, như một đạo lý và nét đẹp văn hóa. Nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo cũng xác định, dịp 20-11 hằng năm là dịp mà toàn ngành bày tỏ và nói lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tới toàn thể phụ huynh, tới các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, tới toàn thể nhân dân, xã hội. Bởi nhà giáo vinh dự có một nghề vinh quang và đang được đặc biệt quan tâm chăm chút, được coi là quốc sách hàng đầu và đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

tri-an-6.jpg
Thầy giáo Bùi Văn Anh (áo trắng), Trường Mầm non Hạ Trung, Thanh Hoá, chia sẻ tại chương trình.

Với chủ đề “Tôi chọn nghề giáo”, chương trình đưa độc giả đến với những câu chuyện bình dị nhưng đầy khó khăn của các nhà giáo. Đó là câu chuyện về nghề “thầy nuôi dạy trẻ” của thầy giáo Bùi Văn Anh, Trường Mầm non Hạ Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Tỉnh Thanh Hoá là địa phương có số thầy giáo mầm non khá nhiều - với 60 thầy, trong đó huyện Bá Thước có 18 thầy giáo, chiếm tỷ lệ cao nhất. Vượt khó khăn, gạt bỏ định kiến, thầy giáo Bùi Văn Anh và các “thầy nuôi dạy trẻ” ở Thanh Hoá vẫn ngày đêm tận tuỵ chăm sóc, bù đắp những thiệt thòi cho trẻ vùng cao.

Câu chuyện về cô giáo ở Thủ đô với những “lá thư tay” giúp học trò biết khắc phục nhược điểm để học tập tiến bộ để lại ấn tượng về phương pháp giáo dục nhẹ nhàng và hiệu quả. Đó là chị Đặng Thị Ngọc Hà, giáo viên ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội. Để học trò học tốt môn ngữ văn, không chỉ là người “truyền lửa”, cô giáo Hà cặm cụi đọc từng bài văn, viết những lời phê và kẹp vào từng bài kiểm tra của học sinh. Nhờ vậy, mỗi học trò đều thấy rõ ưu, nhược điểm của mình, biết cần phải cố gắng những gì để tiến bộ…

Bên cạnh đó, chương trình còn mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc thông qua màn giao lưu giữa một số nhà giáo với các tiết mục nghệ thuật, gồm nhiều bài hát hay ca ngợi công sức đóng góp các thầy giáo, cô giáo…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục là nơi xác lập những giá trị căn cốt cho mỗi người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.