Giáo dục

Để thực sự là thầy, xứng đáng là trò...

Thống Nhất 14/12/2023 - 06:34

Liên tiếp những vụ việc ứng xử thiếu chuẩn mực trong môi trường giáo dục thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chệch hướng trong văn hóa học đường.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng vừa có văn bản đề nghị công đoàn các tỉnh, thành phố phối hợp với sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường tăng cường kỷ cương trường học, kỷ luật học đường, thực hiện nghiêm phương châm "Thầy ra thầy - Trò ra trò".

Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam.

lop-hoc.jpg
Thầy, cô giáo luôn chủ động, sáng tạo vận dụng vào bài giảng, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng học sinh. Ảnh: Đỗ Tâm

Cần quan tâm đầu tư hơn cho việc xây dựng đội ngũ

- Sự việc giáo viên ở tỉnh Tuyên Quang bị học sinh dồn vào góc lớp và có hành vi, lời nói vô lễ vẫn đang làm nóng nhiều diễn đàn trong những ngày qua. Ông có ý kiến gì?

- Xem cách ứng xử của giáo viên và học sinh trong đoạn clip gây xôn xao dư luận những ngày qua, có thể thấy rằng nguyên nhân trực tiếp là do giáo viên ứng xử chưa khéo léo nên tạo ra bùng phát không kiểm soát ở cả cô và trò. Tuy nhiên, dù là bất cứ lý do gì, thì việc học sinh vô lễ với người lớn, với thầy cô là không được phép, cần bị lên án và có biện pháp giáo dục đến nơi đến chốn.

Giáo viên phải có năng lực quan sát, vận dụng khoa học tâm lý để chia sẻ, lắng nghe, chinh phục học trò, từ đó giúp học sinh nhận ra khuyết điểm để sửa chữa. Bên cạnh đó, nếu giáo viên là người có lỗi thì cần nhận lỗi với học sinh, làm gương cho học sinh về sự lắng nghe, cầu thị và chân thành.

- Bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay đặt ra nhiều thách thức với nhà giáo, song cũng cần sự quan tâm của Nhà nước nhiều hơn để nhà giáo thực sự yên tâm gắn bó với nghề. Theo ông điều này đã được thực hiện đến đâu?

- Để giáo viên tận tâm cống hiến với nghề thì trước hết họ phải được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng. Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có việc cải cách tiền lương nhà giáo. Thông tin Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo rà soát các quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp đã thể hiện sự quan tâm thiết thực, đáp ứng mong mỏi, cũng như tạo động lực để nhà giáo thêm nỗ lực, gắn bó với nghề. Việc này cũng sẽ góp phần thu hút sinh viên giỏi đăng ký vào ngành sư phạm.

Để chính sách tiền lương phát huy hiệu quả, cần đưa mức tiền lương ấy đến được các thầy, cô giáo đúng lộ trình; tổ chức chi trả tiền lương đúng vị trí việc làm và hiệu quả lao động để người giỏi có cuộc sống ổn định, từ đó tận tâm cống hiến.

- Trong những sự việc xảy ra thời gian qua ở các nhà trường khiến dư luận bức xúc, không thể phủ nhận chính giáo viên cũng hành xử chưa chuẩn mực với học trò. Khâu đào tạo ở các trường sư phạm cần được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Các trường sư phạm vẫn nặng về truyền đạt kiến thức khoa học, việc rèn luyện đạo đức và nghề nghiệp cho sinh viên chưa đạt hiệu quả cao. Trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay, các trường sư phạm đang tích cực đối mới chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bên cạnh việc tích cực đổi mới chương trình đào tạo, các trường sư phạm cần tăng cường dạy khoa học tâm lý giáo dục, tổ chức đợt thực hành hằng năm cho sinh viên tại các trường phổ thông, thay vì chỉ thực tập vào 2-3 tháng của năm cuối. Ngoài ra, các trường cũng cần tính đến việc đưa giáo viên giỏi ở các trường phổ thông làm giảng viên kiêm nhiệm tại trường nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận phương pháp, kỹ năng giảng dạy và xử lý tình huống sư phạm thường gặp…

Nhà giáo cần giữ được cả “ân” và “uy” với học trò

- Vấn đề tự bồi dưỡng của nhà giáo trong bối cảnh đổi mới giáo dục với nhiều thách thức, áp lực thì ra sao, thưa ông?

- Thực tế cho thấy, công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo hiện nay cần phải được đổi mới, tổ chức thường xuyên hơn chứ không phải mỗi năm một vài buổi, tập trung hình thức. Nó cần trở thành nhu cầu của mỗi nhà giáo, mỗi đơn vị trường học chứ không chỉ trông chờ cơ quan quản lý tổ chức.

Theo đó, bản thân mỗi nhà giáo phải biết mình cần gì để tự tìm tòi, học hỏi từ nhiều nguồn. Mỗi nhà trường cũng cần thường xuyên quan tâm xem đội ngũ giáo viên của mình còn thiếu gì để kịp thời bổ sung, cập nhật. Để có được điều này một cách trọn vẹn, cũng nhằm tạo động lực cho từng nhà giáo, còn cần có chế độ chính sách tiền lương phù hợp bảo đảm cho họ yên tâm gắn bó với nghề.

- Để giải quyết kịp thời những xung đột trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng. Làm thế nào để đội ngũ này nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi công tác giáo dục đối diện nhiều khó khăn hơn?

- Để thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục hiện nay, Nhà nước phải tập trung vào nhà trường và nhà giáo. Bởi, nhà trường và nhà giáo là lực lượng trực tiếp làm nên chất lượng giáo dục. Nhà giáo nói chung, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải trở thành những nhà tâm lý, nhà giáo dục thực hành.

Giáo viên nói chung phải hiểu về khoa học tâm lý giáo dục, nhưng giáo viên chủ nhiệm phải học sâu hơn, thực hành nhiều hơn và có năng lực sư phạm tốt. Chỉ những người đủ uy tín, năng lực và phẩm chất mới được giao làm chủ nhiệm, chứ không phải xem ai rảnh rỗi, ít giờ dạy thì giao nhiệm vụ. Vì thế, đội ngũ này cần có một chức danh trong nhà trường, được hưởng mức lương chuyên trách chứ không phải “trừ giờ” như hiện nay.

- Để ngăn chặn những tình huống vượt ngoài tầm kiểm soát, nhất là để làm gương cho học trò và để “thầy ra thầy”, nhà giáo cần chú trọng điều gì, thưa ông?

- Thách thức của giáo dục thế kỷ XXI, cũng là sứ mệnh của nhà giáo là làm sao phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi đứa trẻ, để mỗi đứa trẻ tự ý thức được việc nó phải quyết định cuộc sống và có trách nhiệm với cuộc sống của bản thân. Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng khẳng định rõ mục tiêu chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, đồng thời phát huy khả năng tiềm ẩn của người học. Sức mạnh của khoa học kỹ thuật và sự phát triển của nền kinh tế thị trường đang có nhiều tác động, làm cho sự phát triển nhân cách học sinh có chiều hướng phức tạp, khó lường.

Nhà giáo cần nhận rõ sứ mệnh, trách nhiệm của mình trong bối cảnh hiện nay đã khác trước rất nhiều. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, mỗi nhà giáo cần không ngừng học hỏi để hoàn thiện mình, tích cực rèn luyện để có trí sáng, tâm an và thân khỏe. Theo đó, nhà giáo phải không ngừng rèn luyện, thường xuyên cập nhật sự phát triển khoa học công nghệ, các phương pháp giáo dục tiên tiến và chủ động, sáng tạo vận dụng vào bài giảng, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng học sinh.

Khi gặp khó khăn, nhà giáo cần bình tĩnh tìm cách giải quyết chứ không thể vì học trò thế này, thế kia mà bực mình, thiếu kiểm soát. Bên cạnh đó, nhà giáo cũng cần luôn phải rèn luyện sức khỏe để có thể chất, tinh thần tốt, luôn giữ được cả “ân” và “uy” với trò.

- Tình trạng giáo viên bỏ nghề đang là một thách thức không nhỏ đối với ngành Giáo dục ở Hà Nội và nhiều địa phương. Theo quan điểm của ông, làm thế nào để giải quyết tình trạng này?

- Có một thực tế hiện nay là mức lương giáo viên còn thấp, áp lực công việc nhiều khiến họ giảm động lực, bớt yêu nghề. Mà khi đã giảm động lực, bớt yêu nghề thì không còn tận tâm, không muốn dành thời gian và công sức vào đó.

Theo tôi, bên cạnh việc trao quyền tự chủ cho các trường công lập, để bảo đảm đời sống giáo viên, giúp họ yên tâm gắn bó, cống hiến lâu dài, thành phố cần đưa quy định về cơ chế trả lương theo chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Có như vậy, mỗi nhà giáo mới yên tâm và có động lực để không ngừng phấn đấu, trau dồi phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và hăng say cống hiến. Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cũng là một sáng kiến động viên khích lệ đội ngũ nhà giáo Hà Nội, cần được lan tỏa.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để thực sự là thầy, xứng đáng là trò...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.