Giáo dục

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chỉ tiêu tuyển giáo viên chỉ đáp ứng nửa nhu cầu

Mai Hữu 01/11/2023 12:20

Sáng 1-11, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trong khuôn khổ kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên. Con số này tiếp tục gia tăng không ngừng, trong khi còn 64.000 chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên chưa được sử dụng.

nguyenkimson.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đến thời điểm này, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên và con số này tiếp tục gia tăng không ngừng do số lượng học sinh cũng tăng cao. Bên cạnh đó, tính đến tháng 9-2023, đã có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện các tỉnh còn 64.000 chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên chưa sử dụng. Nguyên nhân do có nơi “để dành” trừ 10% tinh giản biên chế, có nơi lại không thể tuyển dụng dù có nguồn vì không có người ứng tuyển, đơn cử như với các vị trí giáo viên mầm non.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn tuyển dụng, cũng cần điều chỉnh đồng bộ về lương, chế độ chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi… Bộ trưởng đề nghị các địa phương lưu ý tuyển dụng hết chỉ tiêu, Bộ Nội vụ cũng xác định trong năm 2023, năm 2024 sẽ giao thêm 27.800 chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên cho các tỉnh, thành phố.

Về vấn đề sách giáo khoa được đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 thật tốt, bảo đảm đủ sách giáo khoa cho năm học mới.

Về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết sẽ cố gắng trong 1-2 năm tới khi chu trình đổi mới sách giáo khoa hoàn tất, sẽ có đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội.

nguyenthikimthuy.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) tranh luận về việc biên soạn sách giáo khoa.

Trước đó, tiếp tục tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) về sự cần thiết của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, Luật Giáo dục năm 2019 chỉ quy định thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa mà không quy định nhiệm vụ biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Tôi cho rằng thay vì Bộ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì cần tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số là việc cấp thiết hơn”, đại biểu nói.

Đại biểu cũng nêu quan điểm, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đứng ra biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không thì bộ sách ấy vẫn phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với những bộ sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân khác biên soạn.

tranvansau.jpg
Đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu tranh luận.

Tiếp tục tranh luận về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, Nghị quyết số 88/2014/QH13 nêu rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, tại sao Bộ không tổ chức thực hiện nội dung này, lại "đẩy" toàn bộ việc biên soạn sách giáo khoa bằng hình thức xã hội hóa, dẫn tới việc thả nổi sách giáo khoa, giá tăng và không kiểm soát được.

Theo đại biểu Trần Văn Sáu, chúng ta khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa chăm lo cho giáo dục nhưng Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa sách giáo khoa. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào khi xã hội hóa thì sản phẩm đầu ra đều hạ giá, riêng sách giáo khoa thì càng xã hội hóa, giá càng tăng. Đại biểu nhấn mạnh đây là nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng sách giáo khoa không tiếp tục tăng giá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chỉ tiêu tuyển giáo viên chỉ đáp ứng nửa nhu cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.