Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Dệt may: Tập trung khai thác thị trường nội địa

Thanh Hiền| 14/08/2012 07:13

(HNM) - Từ lâu, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có kế hoạch khai thác thị trường quần áo đồng phục và bảo hộ lao động (QAĐP-BHLĐ) đầy tiềm năng, với tổng cầu trong nước lên tới khoảng 40 triệu bộ/năm.

Sản xuất quần áo đồng phục và bảo hộ lao động tại Công ty May Đức Giang. Ảnh: Linh Ngọc


Suốt một thời gian dài, hầu hết các DN dệt may (DM) trong nước chỉ chú trọng đến xuất khẩu, mà bỏ ngỏ việc phát triển sản xuất cung ứng cho thị trường trong nước, trong đó có QAĐP-BHLĐ. Những năm gần đây, QAĐP-BHLĐ đã được các ngành, nghề, DN ngày càng coi trọng và xem như một nét văn hóa riêng, phục vụ cho việc nhận diện thương hiệu và quảng bá hình ảnh của đơn vị mình. Theo Tập đoàn Vinatex, một số ngành có nhu cầu sử dụng QAĐP gồm y tế, giáo dục, các lĩnh vực tài chính, ngân hàng... Trong đó, ngành giáo dục có khoảng 15 triệu học sinh, y tế khoảng 240.000 lao động, ngân hàng khoảng 77.000 lao động… Bình quân mỗi người sử dụng hai bộ đồng phục/năm, thì ước tính tổng cầu vào khoảng 30,2 triệu bộ/năm. Bên cạnh đó, những ngành có nhu cầu sử dụng quần áo BHLĐ là xây dựng, điện, dầu khí, công nghiệp chế biến chế tạo, sửa chữa ô tô, xe máy, khai khoáng, nông - lâm nghiệp, thủy sản… Trong đó, ngành xây dựng có 3,2 triệu lao động, khai khoáng khoảng 280.000 lao động, điện lực khoảng 100.000 lao động… Ước tính nhu cầu khoảng 7,3 triệu bộ/năm, bình quân mỗi người sử dụng 2 bộ/năm. Nếu so với sản xuất quần áo xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa thông thường thì QAĐP-BHLĐ không đòi hỏi khắt khe về kiểu dáng thiết kế, lại sử dụng được 80% nguyên liệu vải và phụ liệu trong nước. Nhờ đó, các DN có thể giảm giá thành và đẩy nhanh tiến độ giao hàng.

Tuy nhiên, do mỗi đơn vị hoặc DN có nhiều thành phần, chức danh khác nhau nên về tổng thể đơn hàng thì số lượng lớn, nhưng tách ra theo các thông số riêng thì số lượng không nhiều, buộc DN phải may đo cho từng người và sản xuất trên dây chuyền riêng, không thể sản xuất đại trà. Mặt khác, để đáp ứng tốt nhu cầu phân khúc thị trường này, đòi hỏi các DN DM phải có năng lực thiết kế, tạo ra mẫu mã đa dạng phù hợp với đặc thù từng ngành, nghề, giúp cho việc nhận diện thương hiệu, bảo đảm an toàn cho người lao động; nghiên cứu về nhân trắc học để có số đo chuẩn giúp người lao động mặc vừa vặn, dễ cử động, thao tác khi làm việc. Đồng thời, nghiên cứu sản xuất quần áo BHLĐ có tính chống cháy, chống tia cực tím cho những ngành đặc thù như các nhà máy chế biến phân đạm, nhà máy lọc dầu…

Nhận định phân khúc QAĐP-BHLĐ rất tiềm năng, thời gian qua, một số DN DM lớn của Vinatex, như Tổng Công ty May Việt Tiến đã thâm nhập vào lĩnh vực đồng phục y tế, đồng phục học sinh, một số ngành giao thông, xây dựng, ngân hàng…; Tổng Công ty May Đức Giang đã sản xuất QAĐP-BHLĐ cho một số khách hàng lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội… Tuy nhiên, số lượng còn khiêm tốn. Với thế mạnh là khả năng cung ứng của chuỗi khép kín từ bông, xơ, sợi, vải, quần áo đến thương mại dịch vụ, cùng những đơn vị thành viên lớn như Việt Tiến, May 10, May Đức Giang, Dệt Việt Thắng, Dệt Nam Định… Tập đoàn DM Việt Nam đã quyết tâm vào cuộc để đáp ứng nhu cầu rất lớn trong lĩnh vực này, đồng thời mở hướng đi mới cho ngành DM chiếm lĩnh thị trường nội địa. Hiện Tập đoàn DM Việt Nam có năng lực sản xuất 330 triệu sản phẩm quần áo/năm, 280 triệu mét vuông vải/năm và 160.000 tấn sợi/năm. Do được sản xuất trên các dây chuyền hiện đại nên vải của Vinatex đáp ứng tốt các yêu cầu đặc thù của QAĐP-BHLĐ như độ bền cơ học, bền màu cao, bảo đảm thông thoáng, thẩm thấu mồ hôi, không gây dị ứng, ít nhăn, nhanh khô, chống cháy… Bên cạnh đó, Tập đoàn đã xây dựng được đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, bảo đảm được những yêu cầu đặc thù của QAĐP-BHLĐ.

Trong điều kiện kinh tế thế giới còn khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm, thì việc quay lại chiếm lĩnh thị trường nội địa là chiến lược quan trọng đối với các DN DM. Vì vậy, các DN cần liên kết thành chuỗi từ sản xuất sợi, vải đến may thành phẩm; đồng thời, tận dụng hết các thế mạnh trong ngành để đưa ra giá thành hợp lý, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đặt hàng của các đơn vị, DN, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành Dệt may: Tập trung khai thác thị trường nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.