Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành dệt may: Giảm sút lợi thế cạnh tranh

Đặng Loan| 24/11/2012 07:09

(HNM) - Mặc dù chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất của TP Hồ Chí Minh nhưng năng lực cạnh tranh của ngành dệt may đang mất dần do TP đang ưu tiên chuyển sang các ngành dịch vụ. Chính vì vậy, việc tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp với ngành dệt may là cấp thiết.

Cần có một mô hình phát triển phù hợp

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, thế mạnh truyền thống của TP vẫn đang là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện dệt may vẫn đang là 1 trong 6 ngành công nghiệp chế biến quan trọng của TP, gồm: chế biến thực phẩm, thiết bị điện, may mặc, giày dép, thiết bị điện tử và đồ gỗ nội thất. Tầm quan trọng của ngành may mặc TP thể hiện rõ trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Trong năm 2011, xuất khẩu ngành may mặc trên địa bàn TP là 2,2 tỷ USD (chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP) và 9 tháng năm 2012 là 1,77 tỷ USD (chiếm 19,7%). Còn nếu tính riêng khu vực trong nước, xuất khẩu dệt may của TP trong năm 2011 chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong suốt giai đoạn 2001 - 2010 ngành may mặc của TP có tốc độ phát triển cao với bình quân hơn 17%/năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng giảm đáng kể, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng trung bình 18,4%/năm của ngành may mặc cả nước.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP, dù quy mô, tỷ lệ của dệt may tại TP vẫn chiếm tương đối lớn nhưng năng lực cạnh tranh đang mất dần do không còn là ngành được khuyến khích. Do kinh tế TP đang có xu hướng chuyển dịch mạnh sang ngành dịch vụ nên vấn đề đặt ra là vị trí của ngành dệt may trong cơ cấu công nghiệp chế biến nói riêng và cơ cấu của nền kinh tế TP nói chung cần được xác định lại, liệu TP có nhất thiết phải giữ ngành dệt may hay không. Theo ông Hưng, vẫn cần phải giữ lại ngành dệt may trong cơ cấu ngành nghề của TP và việc tìm kiếm một mô hình phát triển phù hợp với điều kiện hiện tại là cấp thiết.

Cần có sự liên kết cụm ngành

Theo Sở Công thương, dù trong cơ cấu ngành nghề ưu tiên phát triển không có ngành dệt may, nhưng chủ trương của TP là không từ bỏ hoàn toàn ngành này. Hiện Sở Công thương đang xây dựng quy hoạch ngành dệt may, theo đó sẽ tập trung các DN dệt, nhuộm về khu công nghiệp Phước Hiệp (huyện Củ Chi); bên cạnh đó là khuyến khích DN dịch chuyển về các địa phương lân cận và các địa phương có nhiều lao động. Hiện TP cũng đang "đặt hàng" Viện Chính sách Công (IPP) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) triển khai dự án nghiên cứu "Khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh của cụm ngành dệt may trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận" để đánh giá năng lực cạnh tranh của cụm ngành dệt may, nhằm tìm ra mô hình hỗ trợ ngành dệt may phát triển hữu hiệu.

TP Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam bộ (chủ yếu là Bình Dương và Đồng Nai) được xem là trung tâm sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Trong khoảng 3.700 DN dệt may cả nước thì khu vực này chiếm đến 58%. Tuy nhiên, có một thực tế là các tỉnh lân cận TP cũng không còn mặn mà với các dự án của ngành dệt may như trước đây. Theo bà Phạm Minh Hương, Trưởng ban thị trường của Tập đoàn dệt may Việt Nam, đầu tư phát triển ngành may mặc ở các tỉnh không còn dễ dàng. Các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An trả lời thẳng là không cho dự án dệt, nhuộm đầu tư vào vì sợ ô nhiễm môi trường, còn một số địa phương cũng không mặn mà vì cho rằng may mặc chỉ phục vụ xuất khẩu, không đóng góp vào ngân sách địa phương.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, việc đánh giá ngành dệt may của TP không thể tách rời ra khỏi cụm ngành dệt may của vùng phụ cận, đặc biệt là Đồng Nai và Bình Dương. Ngành dệt may Việt Nam nói chung và cụm ngành dệt may TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương đang đứng trước sức ép cạnh tranh lớn, phải thay đổi để tồn tại và phát triển. Theo mô hình nghiên cứu từ dự án "Khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh của cụm ngành dệt may trên địa bàn TP và một số địa phương lân cận", ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng cần phát triển ngành dệt may theo mô hình cụm ngành, là cách đầu tư đi theo chiều ngang để bổ trợ cho nhau. Lợi ích theo chốt của cụm ngành là giúp tăng cường cạnh tranh, đồng thời đẩy mạnh hợp tác, từ đó làm tăng năng suất. Khi phát triển theo cụm ngành, mỗi địa phương sẽ lấy thế mạnh của mình để góp phần trong chuỗi giá trị của ngành dệt may để phát triển bền vững. Với ngành dệt may, việc liên kết cụm ngành này sẽ giải quyết được các yếu kém là giá trị gia tăng thấp, tỷ suất lợi nhuận kém và hoạt động sản xuất bấp bênh do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành dệt may: Giảm sút lợi thế cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.