(HNM) - Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là sau năm 2018, thuế nhập khẩu các dòng xe từ ASEAN sẽ là 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên. Do vậy, việc đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam...
Nhà máy Sản xuất và Lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải (Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam). Ảnh: Hồng Hạnh |
Chưa đáp ứng sự kỳ vọng
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Năm 2016, sản lượng đạt hơn 280 nghìn xe/năm, tăng 38% so với năm 2015 và 109% so với năm 2014. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Dự báo, đến năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 3.000 USD và thời kỳ bùng nổ nhu cầu xe hơi sẽ diễn ra ngay sau đó. Nhu cầu thị trường ô tô trong nước vào năm 2025 có thể lên hơn 600.000 xe/năm. Nếu ngành công nghiệp ô tô trong nước đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt là với các loại xe đến 9 chỗ thì năm 2025 có thể giảm được 3-7 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu, đến năm 2030 khoảng 5-12 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, dù đã có những kết quả nhất định, nhưng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng. Tính đến nay, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mới đạt khoảng 7-10%, trong đó Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Trong khi đó, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010. Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu tại hội thảo về "Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam", do Bộ Công Thương tổ chức mới đây. Theo đó, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%. Nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi Việt Nam gia nhập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại được chỉ ra là quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ (bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của Indonesia), GDP bình quân đầu người giai đoạn vừa qua chưa đủ để người dân có thể sở hữu ô tô. Mặc dù, ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp; chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện.
Liên kết để... lớn!
Đó là điều được ông Phạm Văn Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải nhấn mạnh tại hội thảo vừa qua. Theo ông Tài, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, đòi hỏi phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ, nhằm nâng cao sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa. Vì điều kiện tiên quyết gia tăng tỷ lệ nội địa hóa là phải có sản lượng đủ lớn để đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm và giá thành hợp lý. Ở góc độ khác, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam khuyến nghị, Chính phủ cần có ưu đãi cho các nhà sản xuất nội địa để duy trì sản xuất khi thị trường chưa đủ lớn. Còn ông Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, không nên coi sản xuất ô tô là một ngành công nghiệp mà phải là một nền công nghiệp ô tô. Khi nhận thức được như thế, chúng ta mới có chính sách bắt kịp xu thế vì quy mô của nó vô cùng lớn...
Về các chính sách đối với ngành công nghiệp ô tô, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành nghị định về điều kiện kinh doanh, sản xuất ô tô. Theo đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn. Bởi, chỉ những doanh nghiệp đủ lớn mới thúc đẩy được sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, từ đó tạo động lực để các doanh nghiệp đi lên. Quan điểm của Chính phủ thời gian tới là ưu tiên kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia bảo đảm hai tiêu chí: Lớn mạnh và chưa có cơ sở sản xuất trong khu vực để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.