(HNM) - Các ngân hàng đã tăng lãi suất các kỳ hạn dài, huy động trái phiếu... để đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước là giảm tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 50% và dự kiến xuống còn 40% vào năm 2018.
Ảnh minh họa. |
Phát hành trái phiếu
Trong các chương trình huy động vốn dài hạn thời gian qua, việc phát hành trái phiếu được nhiều ngân hàng lựa chọn. Với lượng phát hành lớn, kỳ hạn dài, ngân hàng có thêm nguồn vốn ổn định, không phải lo khách hàng rút tiền trước hạn. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi và không có bảo đảm bằng tài sản, kỳ hạn 5 năm. Trước đó, ngân hàng này còn phát hành 2.900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Cùng với VietinBank, “đại gia” khác là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chào bán thành công 20 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, thời hạn 10 năm. Đây là loại chứng khoán không chuyển đổi và không có bảo đảm bằng tài sản, lãi được thanh toán sau hằng năm là 7,57%. Không chỉ có những ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ cũng lựa chọn phương án này để thu hút nguồn vốn dài hạn, như Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)...
Ngoài trái phiếu doanh nghiệp, nhiều ngân hàng phát hành chứng chỉ quỹ trái phiếu với lãi suất lên tới 8%/năm. Trên thực tế, nếu “dư dả” nguồn vốn cho vay trung, dài hạn, ngân hàng sẽ có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Hơn nữa, việc đa dạng các kênh huy động tiền gửi trung, dài hạn cũng giúp ngân hàng có cơ cấu vốn ổn định hơn, tiệm cận với tiêu chuẩn an toàn vốn theo thông lệ quốc tế.
Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung - dài hạn còn 50%
Với những ngân hàng chưa phát hành trái phiếu, các sản phẩm huy động tiết kiệm trung - dài hạn, với ưu đãi hấp dẫn đã được thiết kế nhằm thu hút khách hàng. Lãnh đạo các ngân hàng này đều cho rằng, hầu hết khách hàng gửi tiết kiệm thích kỳ hạn ngắn nhằm dự phòng cho các khoản chi bất thường mà không bị mất lãi. Do vậy, để có thể “kéo” khách hàng đến với những sản phẩm tiết kiệm dài hạn, các ngân hàng phải thiết kế nhiều sản phẩm tiền gửi có tính thanh khoản cao hơn.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa triển khai chương trình “Tiết kiệm online - Lãi suất cao - Quà độc đáo” dành riêng cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm trực tuyến từ nay đến ngày 13-8. Theo đó, với số tiền gửi tiết kiệm online từ 80 triệu đồng, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên khách hàng có cơ hội nhận phiếu mua hàng điện tử. Ngoài ra, người gửi còn nhận mức lãi suất cộng thêm lên đến 0,2% so với gửi tiết kiệm thông thường.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) áp dụng lãi suất 8%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm online, cao hơn gửi tiết kiệm tại quầy ngân hàng 0,1%/năm. Khách hàng có thể mở tiết kiệm online với số tiền gửi tối thiểu 500.000 đồng tương ứng với các kỳ hạn từ một tuần đến 36 tháng. Người gửi có thể chủ động mở, cập nhật hoặc tất toán tài khoản tiền gửi tiết kiệm trên kênh internet banking mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải đến ngân hàng.
Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được tổ chức ở Hà Nội gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, bất cập hiện nay là tín dụng trung - dài hạn vẫn chiếm 53-55%, trong khi vốn huy động trung - dài hạn chỉ chiếm 13-15%. Đây là rủi ro rất lớn cho hoạt động ngân hàng khi mất cân đối về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Theo lộ trình, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tối đa trong năm 2017 là 50% và đầu năm 2018 sẽ là 40%, vì lẽ ra cung ứng vốn trung - dài hạn phải thực hiện qua kênh chứng khoán, nhưng do đặc thù của Việt Nam nên nguồn vốn này hiện chủ yếu vẫn huy động qua kênh ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá diễn biến chính sách tiền tệ để xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn phù hợp hơn với thực tế nhằm giảm bớt áp lực cho các ngân hàng thương mại.
“Hiện nay nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn nhưng các nguồn lực chưa được khai thông vì phần lớn vốn vẫn còn nằm trong nợ xấu. Chính phủ đang trình Quốc hội nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các tổ chức tín dụng, nếu sớm được thông qua sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, giải phóng được lượng lớn tài sản thế chấp, có điều kiện giảm lãi suất cho các doanh nghiệp vay” - ông Hưng cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.