Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng không chỉ giữ tiền

Nguyễn Triều| 05/12/2010 06:34

(HNM) - Báo chí vừa đưa tin giá gas sẽ lại tăng mạnh nếu Chính phủ không cho phép giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2%. Tính ra, trong vòng mươi năm lại đây giá gas đã tăng ít nhất là gần 4 lần. Một trong những lý do chính là giá gas thế giới tăng, USD và nội tệ mất giá.

Thực tế không đơn giản như vậy. Dù tiền đồng mất giá nhưng trong chục năm qua, so với USD, nó chỉ mất một nửa (từ mười nghìn lên chừng hai chục nghìn đồng một đô). Còn giá hàng hóa, như gas chẳng hạn, tăng không chỉ gấp đôi. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là Ngân hàng Nhà nước chưa làm tốt vai trò quản lý, điều tiết dòng chảy ngoại tệ và bảo đảm cung - cầu USD của thị trường trong nước.

- Chúng tôi biết doanh nghiệp khổ nhưng ngân hàng chịu không gỡ được, một lãnh đạo ngân hàng khẳng định.

Doanh nghiệp khổ gì và ngân hàng bó tay vì chuyện gì?

Doanh nghiệp khổ vì đây là thời điểm phải trả nợ ngân hàng những gì đã vay để nhập hàng trong năm. Vay bằng USD thì trả bằng USD. Khổ nỗi lúc vay 1 USD chừng 16-17 nghìn đồng, lúc trả đã là 19 nghìn. Chưa đủ, để có USD doanh nghiệp phải mua. Mua ở đâu? Theo quy định, tỷ giá tới chiều 3-12, nếu mua trong Ngân hàng Nhà nước là 19,45 nghìn đồng/USD, nhưng không thể mua được bởi vì, như một lãnh đạo ngân hàng cho biết "Chỉ với nhu cầu 10 nghìn USD đơn vị cấp dưới cũng phải báo trước mấy tiếng chúng tôi mới thu xếp được". Doanh nghiệp nào chỉ cần 10 nghìn USD? Ít cũng phải hàng trăm, chưa nói tới cả triệu, chục triệu! Thế nên, để trả được nợ, doanh nghiệp phải mua ngoài chợ đen với chênh lệch mỗi USD chừng 2.000 đồng. Vậy là cứ mỗi triệu USD nợ sẽ mất đứt 2 tỷ đồng so với giá Nhà nước, chưa kể so với giá lúc vay! Như vậy gì mà giá gas chả tăng. Và không chỉ giá gas, nghe chừng mức tăng giá tiêu dùng năm nay không thể hạn chế ở mức một con số như Chính phủ đã hứa!

Tỷ giá USD chênh lệch giữa thị trường tự do và Ngân hàng Nhà nước, trong khi doanh nghiệp buộc phải thực hiện sổ sách tài chính rõ ràng, nhưng mua chợ đen là không hợp pháp nên thanh toán hoàn toàn không thể minh bạch, chưa kể là số lỗ dồn vào đầu ai, công nhân hay doanh nghiệp, hay Nhà nước, hay người tiêu dùng? Mà không cẩn thận ra tòa như chơi.

Đó là nỗi khổ của doanh nghiệp. Ngân hàng biết mà đành bó tay. Vì sao? Vì những quy định chưa thông thoáng, không phù hợp với thực tế. Nhưng có thể còn một nguyên nhân nữa - đó là tình trạng cán bộ ngân hàng thương mại lợi dụng tình hình đó để kiếm lời bằng vai trò "môi giới" cho doanh nghiệp và chợ đen.

Có hai câu hỏi:

1. Chúng ta đã theo cơ chế thị trường hơn hai chục năm rồi mà ngân hàng sao vẫn chưa mấy dịch chuyển, vẫn chưa thực sự làm tốt vai trò quản lý, điều tiết thị trường tiền tệ?

2. Tại sao trong khi ngay cả Ngân hàng Nhà nước không đủ ngoại tệ (dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong cuộc họp báo mới đây của Chính phủ khẳng định lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể) cho doanh nghiệp mua thì chợ đen lại sẵn đến thế?

Tiền đồng sẽ còn mất giá; lạm phát sẽ còn cao nếu Ngân hàng Nhà nước chưa thể làm chủ thị trường tiền tệ của đất nước.

Ngân hàng không thể chỉ là nơi giữ tiền, cho vay lấy lãi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng không chỉ giữ tiền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.