(HNM) - Rượu, bia và đồ uống có cồn lâu nay hiện diện phổ biến trong đời sống xã hội, trở thành một phần thói quen, sinh hoạt của nhiều người, đặc biệt là nam giới, người trẻ tuổi. Hệ lụy như đã thấy, đặc biệt trong thời gian qua, khi cách ứng xử với loại đồ uống này đã đi... quá xa so với chuẩn mực cả về văn hóa, sức khỏe, pháp luật.
Sự kiện Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia diễn ra sáng qua (23-5) cũng là nhắm đến mục tiêu hạn chế tối đa những tác hại mà rượu, bia đã, đang và có thể tiếp tục gây ra đối với cộng đồng.
Với đặc tính kích thích, gây hưng phấn…, rượu, bia có thể làm người uống mất tỉnh táo, thậm chí mất kiểm soát. Thông điệp “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” mà đông đảo người dân Hà Nội cùng lên tiếng trong sự kiện đi bộ kêu gọi vì an toàn giao thông sau những vụ tai nạn thảm khốc mới đây do lái xe sau khi uống rượu, bia gây ra đã cho thấy sự bức xúc của xã hội. Tuy nhiên, sự kiện này cũng chỉ phản ánh một góc độ dễ thấy của những hậu quả, tác hại mà đồ uống có cồn có thể gây ra. Uống rượu, bia vô độ còn dẫn đến những tổn hại sức khỏe, là một trong những nguyên nhân trực tiếp của bạo lực gia đình, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, xã hội…
Nhiều nước trên thế giới có cách thức hạn chế những tác hại này với mức độ khác nhau, từ cấm hoàn toàn, tới cấm ở một số nơi hoặc cấm theo độ tuổi. Ở nước ta, các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia đã diễn ra lâu nay với nhiều hoạt động cụ thể như tuyên truyền kết hợp nhiều hình thức, nhân nhiều sự kiện, hướng tới nhiều đối tượng. Việc xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn cũng được tiến hành mạnh mẽ, góp phần thức tỉnh, ngăn chặn nhiều nguy cơ tai nạn do lạm dụng rượu, bia. Song uống rượu, bia là sinh hoạt mang tính xã hội, cộng đồng cao, lại có chiều hướng lạm dụng và đặc biệt là chế tài xử phạt vi phạm liên quan đến vấn đề này chưa đủ mạnh nên hậu quả từ “ma men” vẫn tái diễn.
Ngăn chặn tác hại cả trước mắt và lâu dài do lạm dụng rượu, bia là việc cần được cơ quan chức năng và cộng đồng chung sức thực hiện. Phòng ngừa tác hại của rượu, bia phải từ gốc và chống tác hại của rượu bia cũng là nhằm xây dựng một môi trường sống an toàn, văn minh.
Cần sớm thống nhất và thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để việc ứng xử với loại đồ uống này không chỉ được diễn ra như một quyền lợi mà còn phải như một trách nhiệm. Trong đó, chú trọng nhóm giải pháp phòng ngừa. Hoạt động quảng cáo liên quan đến đồ uống có cồn cần cân nhắc về thời gian, nội dung, tránh tác động không mong muốn tới giới trẻ… Đặc biệt, phải đẩy mức xử phạt lên tương xứng với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.
Tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia vẫn phải tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sao cho khách quan, khả thi. Trong đó, đưa vào một số nội dung quan trọng có tính định hướng như: Nhận diện rõ thế nào là đồ uống có cồn; sử dụng rượu, bia có hiểu biết, mức độ phù hợp với sức khỏe bản thân… Một số thói quen, hành vi không phù hợp như ép uống rượu, bia nên dựa vào đặc thù sinh hoạt cộng đồng để từng bước thay đổi, chấm dứt. Người lớn có trách nhiệm làm gương cho trẻ em trong sử dụng loại đồ uống này.
Luật hóa những nguyên tắc ứng xử với rượu, bia cũng như xây dựng những quy tắc ứng xử có văn hóa với rượu, bia chính là căn cốt để ngăn chặn từ gốc các tác hại do lạm dụng đồ uống này gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.