(HNM) - Kể từ ngày 1-7, hai nhà mạng Viettel, MobiFone đã áp dụng biện pháp kỹ thuật để chặn cuộc gọi rác. Trước đó, từ ngày 1-6, ba nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone dừng phát hành sim mới trên kênh phân phối và dừng cấp quyền hòa mạng mới của đại lý ủy quyền. Tuy nhiên, những biện pháp này phải được thực hiện thường xuyên, quyết liệt mới ngăn chặn triệt để “rác” viễn thông (sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác).
Chưa hết cuộc gọi rác
Nhà mạng Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội) và MobiFone (Tổng công ty Viễn thông MobiFone) công bố đã triển khai chặn cuộc gọi rác từ ngày 1-7. Theo kế hoạch, nhà mạng VinaPhone (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) cũng sẽ thực hiện trước ngày 1-8-2020. Các nhà mạng còn lại triển khai trước ngày 1-10-2020. Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel Cao Anh Sơn cho biết, Viettel đã xây dựng giải pháp kỹ thuật chặn cuộc gọi rác, kết hợp với việc nhận phản hồi từ khách hàng để xác định hành vi phát tán cuộc gọi rác.
Tương tự, VinaPhone, MobiFone cũng xây dựng hệ thống kỹ thuật xác định thuê bao bất thường trên cơ sở tiêu chí xác định cuộc gọi rác do Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, là: Tần suất thực hiện cuộc gọi, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian ngắn, tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối liên hệ, thuê bao chủ yếu gọi đi, không nhận và gửi tin nhắn.
Trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Phát triển dịch vụ (Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông - VNPT VinaPhone) Phạm Ngọc Tú cho biết, qua hệ thống kiểm soát tin nhắn và hệ thống chăm sóc khách hàng, VinaPhone đã chặn tin nhắn rác bằng cách hạn chế 1 thuê bao gửi đi liên tục số lượng lớn tin nhắn..., đồng thời khóa đầu số, khóa số thuê bao, cắt hợp đồng với các cá nhân, đối tác vi phạm... Từ đầu năm 2020 đến nay, VNPT đã chặn được 9,5 triệu tin nhắn rác.
Tuy nhiên, theo phản ánh của chị Nguyễn Thanh Mai (phường Mộ Lao, quận Hà Đông, đang sử dụng số di động mạng Viettel), dù có giảm nhưng hằng ngày chị vẫn nhận được cuộc gọi rác. Gần đây nhất, ngày 7-7, chị nhận được cuộc gọi từ số 0866xxx318 mời mua bất động sản; ngày 10, 11-7 nhận được cuộc gọi từ máy cố định mời mua bảo hiểm, mỹ phẩm... “Được biết nhà mạng áp dụng giải pháp kỹ thuật chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác, nhưng thực tế vấn nạn này vẫn chưa hết”, chị Nguyễn Thanh Mai nói. Tương tự, anh Trần Trọng Minh (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, đang sử dụng số di động mạng MobiFone) cũng nhận được 3 tin nhắn rác quảng cáo sim số đẹp vào các ngày 9, 11, 13-7…
Thực tế trên cho thấy, giải quyết vấn nạn "rác" viễn thông là công việc đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt, bền bỉ. Bởi mỗi nhà mạng hiện quản lý hàng chục triệu thuê bao và đối tượng phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác cũng có đủ chiêu để lách sự ngăn chặn từ nhà mạng. Hiện, MobiFone, Viettel - đơn vị công bố thực hiện chặn cuộc gọi, tin nhắn rác từ ngày 1-7 chưa đưa ra con số thống kê chính thức. Song, chỉ riêng 1 tháng thử nghiệm giải pháp (tháng 3-2020), nhà mạng Viettel đã phát hiện khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ xuất phát từ 26.700 số điện thoại, ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng.
Thống nhất, đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Minh Cường, xử lý "rác” viễn thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, với các biện pháp chặn cuộc gọi, tin nhắn rác trên hệ thống và xử lý tình trạng mua bán sim kích hoạt sẵn. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng với các nhà mạng kết nối, rà soát, củng cố lại cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao để từ đó tăng cường quản lý. Doanh nghiệp viễn thông cùng thống nhất dừng kích hoạt sim mới trên kênh phân phối ủy quyền. Đồng thời, Bộ cũng tăng cường thanh, kiểm tra về quản lý thông tin thuê bao. “Từ việc kết nối cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý áp dụng thuật toán, phân tích dữ liệu để cảnh báo doanh nghiệp có dấu hiệu kích hoạt sim sai quy định”, ông Hoàng Minh Cường thông tin.
Về quản lý dịch vụ quảng cáo qua điện thoại (với một bộ phận khách hàng có nhu cầu và đăng ký nhận), một số nhà mạng đã triển khai định danh cuộc gọi. Theo đó, người dùng di động sẽ nhận tin nhắn gửi đồng thời với cuộc gọi cung cấp thông tin, như tên đơn vị quảng cáo, lĩnh vực quảng cáo để người dùng cân nhắc trước khi nghe máy. Cách làm này vừa chặn lọc cuộc gọi rác hiệu quả, vừa thúc đẩy việc quảng cáo qua điện thoại đúng luật.
Cũng theo ông Hoàng Minh Cường, để xử lý cuộc gọi giả mạo (giả mạo đầu số ở Việt Nam nhưng gọi từ nước ngoài), Cục Viễn thông cùng các nhà mạng đang xây dựng giải pháp kỹ thuật, sẽ triển khai đồng bộ trong nửa cuối năm 2020. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nghiên cứu bổ sung chế tài với đơn vị cố tình vi phạm, tái phạm phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác.
“Với việc Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các nhà mạng cùng quyết tâm và thống nhất giải pháp, hy vọng vấn nạn "rác" viễn thông sẽ sớm được xử lý triệt để”, ông Hoàng Minh Cường nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.