Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn thương mại hóa khi cho phép mang thai hộ

Hương Ly| 27/11/2013 05:59

(HNM) - Tại phiên thảo luận hội trường sáng 26-11, nhiều ĐBQH đã tán thành quy định cho phép mang thai hộ vì lý do nhân đạo được quy định trong Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).



Trao đổi với báo chí, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH, cho rằng cần có biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng quy định này với mục đích thương mại.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo.


- Nhiều ĐBQH đã bày tỏ thái độ tán thành quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Việc kiểm soát được thỏa thuận mang thai hộ có đúng là vì mục đích nhân đạo hay không rất khó khăn. Ngay cả trường hợp mang thai hộ đúng là vì mục đích nhân đạo, nhưng sau khi đẻ xong mà người mẹ đẻ lại nhận luôn đứa con do mình sinh ra, không trả lại cho những người nhờ mang thai hộ thì cũng khó xử lý nếu xảy ra tranh chấp. Một trường hợp khác là nếu thai nhi phát triển không bình thường, sau khi sinh ra những người nhờ mang thai không nhận đứa bé thì hậu quả ai sẽ gánh chịu? Một số trường hợp sinh đôi, hoặc sinh ba mà những người nhờ mang thai chỉ muốn nhận một đứa trẻ cũng rất phức tạp… Với nhiều điểm phát sinh như vậy, tôi cho rằng nên cân nhắc, cẩn trọng.

- Vậy phải làm thế nào để ngăn chặn được vấn đề thương mại khi cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, thưa ông?

- Để kiểm soát liệu có phải mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay không rất khó, nếu người mang thai hộ có quan hệ gia đình họ hàng với những người nhờ mang thai hộ thì sẽ bảo đảm hơn. Mặc dù luật quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, nhưng Chính phủ cần có những quy định cụ thể hơn để ràng buộc. Một vấn đề khác là mỗi người chỉ được mang thai hộ một lần. Điều này có thể giám sát được vì những trường hợp mang thai hộ đều có kiểm soát về y tế, ngoài ra trong sổ hộ tịch cũng cần ghi rõ những trường hợp mang thai hộ để cơ quan chức năng có thể kiểm soát.

- Có ý kiến lo ngại rằng, trong trường hợp người mang thai hộ sau này muốn nhận con hoặc đứa con sau này muốn nhận người mẹ đẻ ra mình thì sẽ nảy sinh hệ lụy? Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Điều này phải thực hiện theo thỏa thuận của bố mẹ đứa trẻ và người mang thai hộ. Tại một số quốc gia trên thế giới cũng có quy định, người nhận nuôi ra điều kiện bố mẹ đứa trẻ phải cắt đứt mọi mối quan hệ. Cũng có thể quy định không cho người mang thai hộ qua lại một cách trực tiếp khi đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi, còn sau khi đứa trẻ đủ tuổi công dân, nó có quyền được biết về người mang nặng đẻ đau sinh ra mình…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn thương mại hóa khi cho phép mang thai hộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.