(HNM) - Từ ngày 1-1-2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chính thức có hiệu lực. Trong luật, các quy định về việc kết hôn với người nước ngoài còn mang tính định khung, rất cần có những hướng dẫn cụ thể.
Giải pháp chống lách luật
Một trong các phương án giải quyết việc kết hôn có yếu tố nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đang được Bộ Tư pháp trưng cầu ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và một số biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình là phỏng vấn trực tiếp hai bên nam, nữ tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch, từ đó kiểm tra, làm rõ nhân thân, sự tự nguyện, mục đích kết hôn và mức độ hiểu biết nhau của hai bên nam, nữ.
Hôn nhân có yếu tố nước ngoài cần được quy định chặt chẽ. |
Với trường hợp có nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán người hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của hai bên nam nữ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn (hiện nay, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố đang chịu trách nhiệm thực hiện - PV) phải xác minh, làm rõ. Nếu hai bên nam, nữ kết hôn chưa hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân gia đình của mỗi nước thì yêu cầu hai bên đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để được tư vấn, hỗ trợ.
Giải pháp khác có ý nghĩa đấu tranh mạnh hơn với các hiện tượng bất bình thường trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài được một số cơ quan liên quan đề cập là: Khi công dân Việt Nam muốn kết hôn với người nước ngoài chênh lệch nhau từ 20 tuổi trở lên; người nước ngoài kết hôn lần thứ ba hoặc đã từng ly hôn với vợ (hoặc chồng) là công dân Việt Nam… thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để tư vấn, hỗ trợ.
Nhiều tỉnh, thành phố cũng nêu quan điểm, việc đề ra chế tài quản lý chặt chẽ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là hợp lý; đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, hạn chế hiện tượng "nhắm mắt kết hôn vì mục đích kinh tế". Thời gian qua, việc dễ dãi trong áp dụng quy định về kết hôn có yếu tố nước ngoài đã dẫn đến vô số hệ lụy. Điển hình, các trường hợp lách luật, cố tình áp dụng quy định kết hôn vắng mặt phía công dân Việt Nam tại Hàn Quốc đã phát sinh không ít tiêu cực như sau khi kết hôn, do không hòa hợp và các lý do khác dẫn đến nhiều phụ nữ bị bạo hành, thậm chí sát hại.
Khi nào cần tư vấn, hỗ trợ?
Song thực tế cũng cho thấy, việc bắt buộc tư vấn, hỗ trợ trước khi kết hôn được coi là "rào cản kỹ thuật" khi công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Vì sao chênh lệch 20 tuổi hay kết hôn nhiều lần phải đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình, quy định này có phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp là những vấn đề cần đặt ra, cần có giải thích chi tiết, tránh cảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Mặt khác, cần coi việc tư vấn hỗ trợ là quy trình chứ không phải là điều kiện để từ chối đăng ký kết hôn.
Nêu quan điểm thận trọng về vấn đề này, Bộ Tư pháp cũng nghiêng về quan điểm quy định chặt chẽ việc hôn nhân có yếu tố nước ngoài nhưng việc xử lý đối với từng trường hợp cụ thể phải vừa thận trọng vừa mềm dẻo, phù hợp với xu thế hội nhập. Chỉ nên tư vấn, hỗ trợ đối với những trường hợp qua phỏng vấn, chưa thực sự hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, cá nhân của nhau; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình tại quốc gia của người kết hôn với mình. Sau bước "tiền kiểm" này, có thêm cơ sở ngăn chặn những trường hợp kết hôn qua môi giới, kết hôn giả tạo hoặc lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích buôn bán phụ nữ, mục đích tư lợi khác...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.