Sức khỏe

Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Nhiều người chưa hiểu rõ lợi ích và ý nghĩa

Thu Trang 23/12/2023 - 06:26

Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26-12 năm nay nhấn mạnh đến tầm quan trọng, sự cần thiết của khám sức khỏe tiền hôn nhân để xây dựng cuộc sống gia đình bền vững và hạnh phúc, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều thanh niên vẫn chưa thực sự hiểu rõ lợi ích và ý nghĩa của vấn đề này.

suc-khoe.jpg
Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Giới trẻ còn thờ ơ, e ngại

Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 22.000-30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, trong đó phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận, tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.

Theo báo cáo của Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, mỗi năm, cả nước có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra bị tan máu bẩm sinh và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Nếu không có chẩn đoán dự phòng tiền hôn nhân và tiền sinh sản, các cặp vợ chồng cùng mang gen bệnh có thể sinh ra em bé bị nhiễm bệnh.

Những con số trên một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của khám sức khỏe trước hôn nhân. Dù vậy, nhiều thanh niên chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Đơn cử như trường hợp của chị Đ.P.A (30 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội) có kế hoạch kết hôn vào đầu năm 2024. Trước đó, chị đã đề cập đến vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân với bạn đời thì nhận được câu trả lời là không cần thiết vì sức khỏe của cả hai vẫn tốt.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), nguyên nhân khiến giới trẻ chưa chủ động đi khám sức khỏe trước hôn nhân là do còn e ngại. Thậm chí, nhiều người chủ quan cho rằng, mình không có bệnh nên không cần đi khám. Một số khác lại lo sợ nếu phát hiện ra bệnh, có thể là những bệnh mang tính chất di truyền thì không thể kết hôn. Thực tế cho thấy, không ít cặp vợ chồng sau khi kết hôn đã gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản, như: Hiếm muộn, mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Danh Cường, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương cho rằng, khám sức khỏe tiền hôn nhân rất cần thiết. Thế nhưng, hiện nay, nhiều bạn trẻ nếu có đi khám tiền hôn nhân cũng chỉ quan tâm đến việc mình sẽ sinh con thế nào chứ không phải để phát hiện có mang bệnh hay mang gen bệnh hay không.

Tiền đề nâng cao chất lượng dân số

Từ năm 2013, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (nay là Cục Dân số, Bộ Y tế) đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình “Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân” trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, đến nay, số lượng người trẻ đi khám tiền hôn nhân vẫn còn rất khiêm tốn. Riêng tại thành phố Hà Nội, theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội, năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 31,9%. Chỉ tiêu này được đặt ra trong năm 2023 là 50%.

Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%. Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, ngành dân số cần tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức ở người dân. Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện các quy định về chuyên môn, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tới cộng đồng; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới trong trong tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh để bổ sung danh mục bệnh tầm soát trước khi kết hôn.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, ngành dân số Thủ đô đang từng bước thực hiện các biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận khám sức khỏe tiền hôn nhân đến các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn. Cụ thể, thực hiện tư vấn tại cộng đồng, tư vấn tại các tụ điểm, trường học, câu lạc bộ…; giới thiệu các cặp nam, nữ đến cơ sở dịch vụ có đủ điều kiện theo quy định thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn. Bên cạnh đó, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi những trường hợp khi khám phát hiện hoặc nghi ngờ có bệnh hoặc mang gen bệnh di truyền để tiếp tục tư vấn, tầm soát, chẩn đoán sàng lọc khi mang thai và trước khi sinh.

Đưa ra hướng dẫn khám sức khỏe tiền hôn nhân, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thúy Nga lưu ý, các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3-6 tháng. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, bao gồm khám sức khỏe tổng thể, khám sức khỏe sinh sản sẽ giúp phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời để có kế hoạch điều trị sớm như viêm gan B hay các bệnh di truyền, bệnh tim, bệnh về đường sinh dục... Việc tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ cũng được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Nhiều người chưa hiểu rõ lợi ích và ý nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.