Sức khỏe

Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Thu Trang 29/08/2024 - 06:33

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc vô cùng quan trọng để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Thế nhưng, hiện tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn rất thấp. Mới đây, lần đầu tiên, ngành Dân số Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn với mục tiêu cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số.

nhan-vien-trung-tam-y-te-quan-bac-tu-liem-tu-van-suc-khoe-cho-cac-ban-tre-truoc-khi-ket-hon.-anh-xuan-loc.jpg
Nhân viên Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm tư vấn sức khỏe cho các bạn trẻ trước khi kết hôn. Ảnh: Xuân Lộc

Người dân chưa mặn mà

3 tháng trước ngày cưới, chị N.T.H (25 tuổi, ở Hà Nội) đi khám sức khỏe tiền hôn nhân và bất ngờ phát hiện buồng trứng suy kiệt, nguy cơ mãn kinh sớm, khó có con.

Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho thấy, AMH (hormone thiết yếu phản ánh chức năng buồng trứng và khả năng sinh sản của phụ nữ) của chị H chỉ còn 0,6ng/mL.

Trong khi, chỉ số AMH bình thường ở phụ nữ dưới 38 tuổi là khoảng từ 2,2 đến 6,8ng/mL. Ngoài ra, siêu âm buồng trứng trái của chị H có 4 nang trứng, bên còn lại 2 nang trứng. Ở phụ nữ cùng độ tuổi, số lượng nang trứng ít nhất là 10.

“Nhờ khám sức khỏe trước hôn nhân nên tôi có giải pháp điều trị sớm, tránh nguy cơ phải xin trứng để có con”, chị H chia sẻ.

Trường hợp điển hình trên cho thấy, lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân rất lớn, nhưng trên thực tế, người dân còn chưa mặn mà.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại các thành phố lớn, có nhiều gói dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân nhưng lượng người khám còn ít.

“Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mỗi năm, số phụ nữ đến khám tiền hôn nhân chỉ chiếm khoảng 2% tổng số bệnh nhân khám sản, phụ khoa”, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi thông tin.

Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Các bệnh thường gặp là hội chứng Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tan máu bẩm sinh nặng…

Riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương ghi nhận có trên 20.000 người bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) mức độ nặng, cần phải điều trị cả đời. Ngoài ra, mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia. Chi phí điều trị trung bình của một bệnh nhân thể nặng khi sinh đến 30 tuổi khoảng 3 tỷ đồng.

Trong khi nếu các cặp vợ chồng được khám sàng lọc trước hôn nhân sẽ giúp phát hiện các rối loạn di truyền, như: Bệnh máu khó đông, Thalassemia, rối loạn chuyển hóa, chậm phát triển trí tuệ…

Theo thống kê của Chi cục Dân số Hà Nội, năm 2022, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn là 31,9%. Đến năm 2023, tỷ lệ này là 53,7% và trong 6 tháng năm 2024 đã đạt 63%.

Mặc dù con số này đã tăng lên theo từng năm nhưng vẫn còn ở mức “khiêm tốn” so với mục tiêu mà thành phố đề ra là tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến năm 2025 đạt ít nhất 85% và năm 2030 đạt ít nhất 95%. Do đó, Chi cục Dân số Hà Nội đã phối hợp với quận Bắc Từ Liêm triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn năm 2024 tại Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm.

Song, theo bà Nguyễn Thị Yến, cán bộ Phòng Dân số - Truyền thông và giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm), hiện số lượng người đến khám và tư vấn chưa nhiều. Nhiều thanh niên chưa thực sự quan tâm đến vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân. Có bạn khi đến vẫn còn tâm lý e dè, chưa chủ động chia sẻ, thậm chí có người còn lo sợ nếu phát hiện ra bệnh sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân và hạnh phúc.

Giảm hệ lụy cho tương lai

Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội Vũ Duy Hưng, từ lâu, thành phố đã triển khai công tác tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến 30 quận, huyện, thị xã. Việc triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn năm 2024 tại Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm là mong muốn xây dựng một mô hình chuẩn về vấn đề này. Người dân sau khi được tư vấn sẽ biết cần phải khám những gì, khám ở đâu để mang lại hiệu quả.

“Để hoạt động này mang lại hiệu quả, cơ quan chức năng của quận cần thống kê, báo cáo định kỳ về số lượng nam, nữ chuẩn bị kết hôn để tuyên truyền, vận động họ thực hiện tư vấn và khám sức khỏe. Đồng thời, cơ quan y tế cần quản lý các trường hợp có nghi ngờ mắc bệnh lý di truyền theo kết luận của bác sĩ chuyên khoa, tiếp tục tuyên truyền, cung cấp kiến thức để người dân chủ động phòng tránh nguy cơ. Từ mô hình thí điểm, chúng tôi sẽ nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố để góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng dân số của Thủ đô”, ông Vũ Duy Hưng nhấn mạnh.

Các chuyên gia y tế cũng đưa ra khuyến cáo, cả nam giới và phụ nữ nên khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu từ 3 đến 6 tháng trước khi kết hôn. Việc này giúp các cặp vợ chồng phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được hệ lụy trong cuộc sống và tương lai thế hệ sau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.