(HNM) - Chương trình Môi trường Liên hợp quốc vừa công bố mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, trở thành quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới.
Rõ ràng, việc bảo vệ môi trường của nước ta còn nhiều vấn đề đáng bàn; nhất là xét trong bối cảnh gắn liền với yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững của nền kinh tế. Hiện, Việt Nam có 112 cửa biển, là nơi vận chuyển 80% lượng rác thải ra đại dương, trong đó có rác thải nhựa. Thực tế này là nghiêm trọng bởi lẽ các sản phẩm nhựa rất khó tự tiêu hủy. Đó cũng là nguyên nhân lý giải cho sự việc một con cá voi mới chết, trôi dạt vào bờ biển Indonesia mà trong bụng chứa rất nhiều vật dụng, chai lọ, bao bì bằng nhựa. Các chuyên gia còn ví von rằng, nếu tình hình không được ngăn chặn thì tương lai không xa các đại dương sẽ chứng kiến viễn cảnh rác nhiều hơn cá...
Thực trạng trên là lời cảnh báo bởi việc sử dụng bao bì ni lông nói chung tại Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến; gây ô nhiễm, ách tắc dòng chảy sông, suối, kênh, rạch trên diện rộng. Đời sống dân sinh vì vậy bị ảnh hưởng, đe dọa theo thời gian. Đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí sạch và bền vững. Hình ảnh sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích... lãng mạn nay không còn nữa; trở thành câu hỏi khó có lời giải đáp thỏa đáng cho thế hệ tương lai. Đó cũng là sự đe dọa nhãn tiền trong khi Việt Nam đã ký các cam kết về bảo vệ môi trường với cộng đồng quốc tế.
Đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần có giải pháp tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh tái chế rác để từng bước xóa bỏ vấn nạn rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường sớm nhất có thể...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.