(HNM) - Các cơ quan chức năng lại chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng buôn bán động vật hoang dã qua internet.
Sử dụng internet để quảng cáo, mua bán ĐVHD trở thành một trào lưu không chỉ xuất hiện trên thế giới mà đã xâm nhập vào nước ta trong khoảng 5-6 năm trở lại đây. Lợi dụng sự không biên giới và khó kiểm soát của internet, thời gian qua đã xuất hiện hàng loạt những diễn đàn, website về nuôi thú, mua bán các mẫu vật ĐVHD, tập trung phần lớn ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội… Internet đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động này sống và là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm số lượng động vật quý hiếm.
Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) thu giữ động vật hoang dã vận chuyển trái phép. Ảnh: Quốc Nam |
Đại diện Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD (WCS) nhận định, tại Việt Nam, internet là phương thức phổ biến để quảng cáo, buôn bán mẫu vật các loài ĐVHD trái phép như sừng tê giác, mật gấu, ngà voi và nhiều loài nhập lậu để làm thú nuôi cảnh, làm thuốc và thực phẩm… Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng loài của Việt Nam bị buôn bán chiếm tới 68%, 32% còn lại là các loài ngoại nhập. Qua thống kê các giao dịch trên mạng, có tới 84% vụ mua bán ĐVHD là để nuôi làm cảnh; 9% dùng để chế biến thực phẩm; 7% còn lại cho các mục đích làm đồ dùng, vật trang trí và làm thuốc. Trong số 108 loài ĐVHD xuất hiện trong các giao dịch buôn bán trực tuyến, 24% là loài được pháp luật Việt Nam bảo vệ, 24% được Công ước quốc tế CITES (Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) bảo vệ, 17,6% số loài bị đe dọa trên toàn cầu.
Các chuyên gia của CITES Việt Nam cho biết, trước sự phát triển tràn lan các giao dịch mua bán ĐVHD trên mạng, một số quốc gia đã thực hiện các chương trình, kiểm soát, đồng thời nghiêm cấm rao bán trái phép các loài hoang dã; thỏa thuận với các website không rao bán các loài trong danh mục được CITES bảo vệ; thực hiện các chương trình tuyên truyền, xử phạt các vi phạm về quảng cáo trên internet. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận, việc kiểm soát hoạt động này rất khó khăn. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn các loài ĐVHD, nhưng cơ chế, chính sách quản lý còn thiếu, chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm trên còn thiếu tính răn đe.
Theo ông Lê Đức Anh (Cục Thương mại điện tử - Bộ Công thương), việc ngăn chặn và xử lý tình trạng này rất phức tạp. Thứ nhất, hầu hết các đối tượng đưa thông tin và hình ảnh ĐVHD lên internet thường chỉ có tính chất minh họa nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện các hành vi vi phạm. Thứ hai, nếu kiểm tra các vụ mua bán này cũng không thể xử lý được đối tượng vi phạm vì không có tang vật. Để giải quyết được vấn đề này, mấu chốt vẫn là phải kiểm soát được nguồn gốc thông tin và có chế tài theo hướng tăng mức xử phạt.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thấy được sự nguy hại từ việc buôn bán này, từ đó có hành động thiết thực nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển các loài động vật quý hiếm. Cụ thể, vận động người dân không sử dụng các loại thực phẩm cũng như không mua bán các loại đồ vật trang trí, đồ dùng có nguồn gốc từ ĐVHD; xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán các sản phẩm liên quan đến ĐVHD; phải xác định việc bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của cả quốc gia và là hành động không biên giới.
TS Scott Roberton, Giám đốc WCS tại Việt Nam cảnh báo, phương thức mua bán qua internet sẽ còn gia tăng trong 5-10 năm tới nếu không có các biện pháp quản lý, kiểm soát khi mà số người Việt Nam sử dụng internet gia tăng. Nhằm hạn chế tình trạng này, WCS kiến nghị cần tăng cường quản lý việc đăng ký cũng như nội dung của các website và diễn đàn; ban quản trị trang mạng cần xem xét việc đưa quy định, luật về bảo tồn ĐVHD vào website và thường xuyên theo dõi các chủ đề về buôn bán ĐVHD; tăng cường hợp tác giữa ban quản trị website và các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật về bảo tồn ĐVHD…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.