Môi trường

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội:Ngôi nhà an toàn của các cá thể gấu

Hoàng Văn 06/11/2024 - 06:30

Ngoài chức năng cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã do các tổ chức, cá nhân chuyển đến, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội còn triển khai tốt công tác bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, nhiều năm qua, trung tâm trở thành ngôi nhà chung chăm sóc, bảo tồn an toàn 22 cá thể gấu khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

gau-2.jpg
Cứu hộ một cá thể gấu ở huyện Mê Linh đưa về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam chăm sóc. Ảnh: Hoàng Sơn

Sớm chấm dứt việc nuôi, nhốt gấu của hộ gia đình

Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam, tính đến tháng 10-2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn 94 cá thể gấu bị nuôi, nhốt trong 16 cơ sở tư nhân, hộ gia đình nhằm nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, có đến 94,7% số gấu được nuôi, nhốt tập trung ở huyện Phúc Thọ (thành phố Hà Nội), bằng 49% tổng số gấu bị nuôi, nhốt tại Việt Nam.

Tình trạng nuôi, nhốt gấu lấy mật tại Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung phát triển mạnh từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Để phục vụ cho nhu cầu sử dụng mật gấu của người dân, những cá thể gấu bị nuôi, nhốt trong chuồng cũi chật hẹp và thường xuyên bị chích hút mật. Bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng (Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội) cho hay, chính nhu cầu sử dụng mật gấu của người dân đã đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của loài gấu ngựa ở Việt Nam.

Tuy rằng, ở nước ta không còn gấu ngoài tự nhiên nhưng phong trào nuôi gấu lại phát triển mạnh trong khu dân cư. Theo thống kê, giai đoạn 1990-2005, ở thành phố Hà Nội có hàng trăm cá thể gấu bị nuôi, nhốt trong các gia đình. Đến năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ-BNN về quy chế quản lý gấu nuôi rất chặt chẽ. Trong đó quy định cấm chủ cơ sở nuôi, nhốt gấu có các hành vi săn bắn, bẫy bắt, mua, bán, giết mổ, vận chuyển, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất khẩu gấu và sản phẩm, dẫn xuất từ gấu trái với quy định của pháp luật. Các hộ dân nuôi gấu phải có hồ sơ quản lý và số lượng gấu nuôi được gắn chíp điện tử; nghiêm cấm hành vi hút mật gấu để bán…

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam Bùi Thị Hà cho biết, trong thời gian qua, Hà Nội triển khai quyết định trên rất tích cực. Chính quyền thành phố đã đẩy mạnh giám sát, xử lý vi phạm, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp gấu nuôi, nhốt. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với các tổ chức xã hội vận động được các hộ dân ở xã Phụng Thượng, Mê Linh… bàn giao 7 cá thể gấu cho cơ quan chức năng chuyển đến các trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam chăm sóc, bảo tồn.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn khoảng 100 cá thể gấu bị nuôi, nhốt trong khu dân cư. Để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp của thành phố cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Phía Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi, nhốt gấu trên địa bàn và kiên trì vận động, thuyết phục các chủ hộ tự nguyện giao nộp gấu cho Nhà nước.

Hỗ trợ nâng cao chất lượng cứu hộ

Trưởng phòng Bảo tồn tài nguyên sinh vật rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Phạm Văn Mậu cho biết, việc tuyên truyền, vận động các hộ nuôi, nhốt gấu bàn giao được chi cục coi là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm. Hiện tại, chi cục đang tuyên truyền, vận động các chủ hộ nuôi bàn giao gấu và làm việc với các trung tâm có chức năng cứu hộ, chăm sóc gấu tiếp nhận, trong đó có Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.

gau-1.jpg
Chăm sóc gấu tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Đức Duy

Chia sẻ về công tác cứu hộ gấu, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho hay, trung tâm có đủ chức năng và chuyên môn chăm sóc, bảo tồn động vật hoang dã nói chung, gấu nói riêng. Bởi, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội là trung tâm cứu hộ lớn nhất cả nước. Quy trình nuôi dưỡng gấu của trung tâm tương đương với các trung tâm chăm sóc gấu quốc tế.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, nhân lực của trung tâm hiện nay chỉ đủ điều kiện chăm sóc tốt cho 22 cá thể gấu ngựa trưởng thành đang sinh sống tại trung tâm. Số gấu này, trung tâm tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân chuyển đến. Phần lớn chúng bị nuôi, nhốt trong các chuồng cũi chật hẹp và có tình trạng sức khỏe không tốt. Từ năm 2015, khi khu chuồng nuôi gấu bán hoang dã đi vào hoạt động, trung tâm đã thiết kế chương trình dành riêng cho gấu, trong đó cho phép gấu thể hiện các hành vi tự nhiên, kích thích sự phát triển giác quan, kỹ năng sinh tồn. Theo đó, khu chuồng bán hoang dã có diện tích gần 1.000m2, được thiết kế phù hợp với điều kiện, tiêu chuẩn về phúc lợi động vật như cây xanh, bể bơi, võng đu, cầu trượt, chuồng trại đồng bộ… tạo môi trường sống tương đối tốt cho các cá thể gấu.

Thời gian tới nếu tiếp nhận thêm cá thể gấu về chăm sóc, bảo tồn sẽ quá tải và không đáp ứng điều kiện của trung tâm. Trở ngại lớn nhất của trung tâm hiện nay là diện tích khu chăm sóc động vật quá chật hẹp, hết quỹ đất xây dựng. Điều này khiến không gian vận động của gấu bị hạn chế, gây khó khăn cho công tác chăm sóc, phục hồi của gấu.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng gặp khó khăn do chế độ đãi ngộ thấp và thiếu nhân lực có kinh nghiệm, thâm niên trong lĩnh vực cứu hộ động vật hoang dã. Công tác đào tạo chuyên sâu về cứu hộ động vật hoang dã nói chung và loài gấu nói riêng vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, trung tâm phải thường xuyên mời các bác sĩ và chuyên gia gấu quốc tế thuộc tổ chức phúc lợi động vật hoang dã phi chính phủ đến thăm khám, khuyến cáo điều trị, chăm sóc cho gấu. Vì vậy, trung tâm mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương, thành phố và các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ.

Để công tác cứu hộ, bảo tồn được nhiều cá thể động vật hoang dã, trong đó có thể tiếp nhận số lượng gấu nuôi nhốt trong các hộ dân trên địa bàn Hà Nội về chăm sóc, bảo tồn tại trung tâm trong thời gian tới, ông Lương Xuân Hồng kiến nghị thành phố, Sở NN&PTNT quan tâm, chỉ đạo Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án mở rộng trung tâm theo nghị quyết HĐND thành phố đã phê duyệt. Khi đó mới có thể nâng cao khả năng và chất lượng cứu hộ động vật hoang dã. Trong đó, bao gồm trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm điều kiện sống tốt nhất cho gấu và các động vật khác đang được cứu hộ, bảo tồn tại trung tâm, như: Chế độ dinh dưỡng phong phú với 3 bữa ăn mỗi ngày, các hoạt động làm giàu hành vi, vận động giúp động vật phục hồi bản năng tự nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội: Ngôi nhà an toàn của các cá thể gấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.