Xã hội

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chú trọng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ

Hoàng Văn 10/08/2024 13:34

Để tiến tới chuyên nghiệp hóa chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên, nhiều năm qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thường xuyên cử cán bộ đi học tập tại các đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ trên cả nước và mời chuyên gia nghiên cứu về động vật hoang dã đến trao đổi kinh nghiệm.

Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của trung tâm nâng cao trình độ chuyên môn để cứu hộ, chăm sóc cho động vật hoang dã ngày càng được tốt hơn…

gau-1.jpg
Chăm sóc gấu tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Đức Duy

Quan tâm, chăm sóc động vật

Là cán bộ được cử đi học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, anh Phạm Trường Xuân (nhân viên chẩn đoán bệnh động vật hạng III) cho biết, sau mỗi đợt đi tập huấn, anh đều rút ra được bài học quý giá trong công tác chuyên môn được giao và càng củng cố cách tiếp cận là muốn làm tốt nhiệm vụ chăm sóc động vật hoang dã, mỗi cán bộ, công nhân viên phải hội tụ 3 yếu tố: Tình yêu thương, sự thân thiện và luôn coi động vật là trung tâm để chăm sóc. Khi đó, nhiệm vụ của người chăm sóc, nuôi dưỡng là làm thay đổi cách tiếp cận với động vật theo hướng gần gũi, tích cực, giúp động vật không stress, sợ hãi hay hung dữ khi tiếp xúc với con người.

Còn Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ cứu hộ Nguyễn Duy Hải chia sẻ: "Đúng là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Sau chuyến học tập thực tế, chúng tôi bắt tay vào thực hiện ngay việc làm giàu môi trường sống và làm giàu hành vi cho động vật". Từ đó, mỗi cán bộ cần xây dựng chi tiết lịch làm phong phú đồ chơi và thức ăn cho gấu để gấu không lặp đi lặp lại các hành vi căng thẳng, bức xúc do ảnh hưởng của việc nuôi nhốt trong chuồng chật hẹp kéo dài. Sự thay đổi thể hiện rõ nhất tại khu chuồng nuôi gấu bán hoang dã của trung tâm. Các nhân viên đang thực hiện rất tốt việc nhận biết, phân biệt được các dấu hiệu stress, sở thích, thói quen của từng cá thể từ việc gọi gấu ra - vào chuồng, thích ăn gì hay chơi gì.

Tuy nhiên, thói quen, sở thích của gấu có thể thay đổi liên tục, nên việc nhận biết kịp thời để điều chỉnh phương pháp chăm sóc cho phù hợp đòi hỏi người chăm sóc phải hết sức nhạy bén và chú ý. Đơn cử như, khi gấu lắc đầu nhiều lần, tự cắn chân cắn tay, đó là biểu hiện của stress, lúc này người chăm sóc cần bón thức ăn, làm đồ chơi cho gấu để gấu giảm căng thẳng. Hay trong cùng một khu chuồng nuôi, mỗi cá thể gấu lại có sở thích ăn không giống nhau, nên người chăm sóc phải lưu ý để đa dạng nguồn thức ăn như mít, ổi, dưa hấu, bí, cháo… để đáp ứng nhu cầu của chúng.

Do đó, để chăm sóc tốt cho động vật hoang dã đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân viên của trung tâm phải có tình yêu với động vật, hiểu được động vật muốn gì để đáp ứng tốt hơn, đầy đủ hơn nhu cầu của chúng. Hơn nữa, qua việc áp dụng các kỹ thuật đã học vào thực tế, cán bộ trung tâm ngày càng nâng cao tiêu chí phúc lợi cho động vật hoang dã.

Không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ

gau-2.jpg
Khu vui chơi cho gấu tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Đình Văn

Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Nguyễn Đức Minh cho biết, chăm sóc động vật hoang dã là công việc không hề đơn giản, vừa vất vả, vừa nguy hiểm, đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân viên của trung tâm phải có năng lực và chuyên môn nghiệp vụ tốt, đồng thời không quản ngại khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa các động vật sớm trở về với thiên nhiên. Các loài động vật hoang dã ở trung tâm đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt, song chưa khi nào trung tâm xem nhẹ việc trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, trung tâm thường xuyên cử cán bộ, nhân viên đi học tập tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn thú ăn thịt nhỏ, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Vườn quốc gia Cúc Phương...

Thời gian qua, trung tâm còn chủ động, tích cực trong phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế mở các lớp đào tạo ngắn hạn, cử chuyên gia đến khám bệnh cho động vật tại trung tâm nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giúp cán bộ của trung tâm nâng cao kỹ năng cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm thực hiện hợp tác với các tổ chức quốc tế trong công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã, như: Tổ chức động vật châu Á khám sức khỏe tổng quát cho 1 cá thể gấu ngựa; Chương trình bảo tồn rùa châu Á khám sức khỏe cho 100 cá thể rùa và gắn chíp theo dõi cho 60 cá thể rùa các loại; Tổ chức Four Paws Việt khám sức khỏe cho 28 cá thể (rùa, cầy, đại bàng...) và tiêm vắc xin cho 39 cá thể hổ đang cứu hộ, bảo tồn tại trung tâm.

Hằng năm, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển thiên nhiên cũng thường xuyên cử chuyên gia đến làm việc, cố vấn về phúc lợi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thăm khám sức khỏe cho các cá thể động vật hoang dã. Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã lấy mẫu sinh thiết phân tích ADN và hình ảnh sọc vằn cho 34 cá thể hổ tại trung tâm nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và công tác nghiên cứu, bảo tồn, duy trì nguồn gen…

Vì được học hỏi, tiếp cận trong môi trường chuyên nghiệp từ cơ sở vật chất đến phương thức làm việc nên ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội ngày càng được nâng lên. Từ đó, cán bộ, công nhân viên của trung tâm ngày càng thêm yêu động vật và mong muốn gắn bó lâu dài với công việc hơn…

Trong 7 tháng của năm 2024, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã tiếp nhận 58 vụ, với 594 cá thể động vật hoang dã, gần 30kg rắn các loại do các tổ chức, cá nhân trên cả nước chuyển đến. Cán bộ trung tâm tổ chức phòng bệnh định kỳ 9 đợt cho 1.494 lượt cá thể động vật hoang dã; tổ chức điều trị 60 đợt cho 805 lượt cá thể, gồm: Tê tê, trăn, chồn, chim... bị chấn thương cột sống phần cổ, viêm phổi, viêm bàng quang; tái thả 3 đợt với 256 cá thể và 9kg rắn; tiêu hủy 299 cá thể và 0,8kg rắn; chuyển giao động vật hoang dã sau cứu hộ 1 đợt với 11 cá thể cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Cũng trong 7 tháng qua, cán bộ trung tâm còn thực hiện tốt công tác bảo tồn đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao thuộc Phụ lục I và nhóm IB, IIB của Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, như: Hổ, gấu, chim công, vượn đen má trắng, chim hồng hoàng… Số động vật hoang dã được chăm sóc, bảo tồn tại trung tâm tính đến nay là 610 cá thể và 89,4kg rắn các loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chú trọng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.