(HNM) - Dịp cuối năm, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán, luôn là “thời điểm vàng” cho các đối tượng thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, táo tợn để buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thực trạng nhức nhối này nếu không được ngăn chặn kịp thời, triệt để thì sẽ tác động xấu đến nền sản xuất trong nước, và thiệt hại trước tiên đến người tiêu dùng.
Một thực tế không thể phủ nhận là dù các địa phương và cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn rất phức tạp, diễn ra trên diện rộng trên khắp cả nước, đặc biệt là khu vực biên giới.
Không dừng lại ở đó, các đối tượng còn sử dụng công nghệ, kỹ thuật cao để thực hiện hành vi vi phạm càng gây thêm khó khăn cho cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng thường lợi dụng những sơ hở trong quản lý đường biên, cửa khẩu; lợi dụng đời sống người dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn, một số người thiếu việc làm ổn định, nhận thức pháp luật hạn chế để móc nối, mua chuộc tham gia vận chuyển hàng lậu… Trong khi đó, các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả hiện cũng diễn biến phức tạp. Ngoài làm giả sản phẩm có thương hiệu lớn, các đối tượng còn làm giả mặt hàng trong nước sản xuất, hoặc làm giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng từ nước ngoài về tiêu thụ…
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là bản thân đối tượng vi phạm, vì lợi nhuận cao đã bất chấp pháp luật, coi nhẹ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng. Thứ hai, ý thức, nhận thức của người dân về gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả chưa cao, hoặc có chú ý thì cũng khó nhận biết hàng thật - hàng giả. Thứ ba, công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử phạt các vi phạm gặp nhiều khó khăn, kết quả còn hạn chế so với thực tế…
Chống buôn lậu và gian lận thương mại là cuộc chiến cam go, khốc liệt và đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ cùng việc huy động nhiều lực lượng tham gia như hải quan, quản lý thị trường, biên phòng, công an, cảnh sát biển… Trong đó, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng của Trung ương với các tỉnh biên giới và địa phương có thị trường tiêu thụ hàng hóa để ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết, xử lý nghiêm vi phạm gắn với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường. Đặc biệt, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hàng hóa giả tạo để đầu cơ, tăng giá nhằm thu lời bất chính; làm tốt công tác vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Với các doanh nghiệp, một mặt phải đề cao trách nhiệm, đạo đức trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm uy tín thương hiệu sản phẩm; mặt khác, cần chủ động trang bị kiến thức, mở rộng giao thương quốc tế, theo dõi sát thị trường, tố giác ngay các vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái… Doanh nghiệp cũng không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình, không nên coi việc chống hàng giả, hàng nhái là của riêng cơ quan thực thi pháp luật.
Một nhiệm vụ nữa là cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với các nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp, dễ hiểu. Làm thế nào để người dân không lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”, vừa thấy được trách nhiệm để chủ động tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi vi phạm.
Và hơn hết, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần tạo liên kết chặt chẽ, có kênh trao đổi thông tin hai chiều để tránh kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.