(HNM) - Cơ quan thống kê Nga (Rosstat) ghi nhận nền kinh tế Nga suy giảm mạnh trong quý II-2022 với gánh nặng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nền kinh tế Nga đã vượt qua cú sốc trừng phạt ban đầu, thể hiện sức chống chịu tốt, thậm chí hơn nhiều so với dự đoán. Vì thế, sự sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II-2022 không quá nghiêm trọng.
Theo báo cáo đầu tiên ghi nhận đầy đủ sự thay đổi của nền kinh tế kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, GDP của xứ Bạch dương trong quý II-2022 giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế, GDP của Nga đã liên tiếp suy giảm trong những tháng sau xung đột với Ukraine. Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga ghi nhận, GDP nước này trong tháng 6-2022 giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 4,3% vào tháng 5 và giảm 2,8% trong tháng 4.
Rosstat đánh giá, tình trạng giảm GDP là do doanh thu trong các lĩnh vực đều giảm. Doanh thu bán lẻ giảm 9,8%, bán buôn giảm 15,3%. Doanh thu từ dịch vụ vận tải hành khách giảm 5,3%, vận tải hàng hóa giảm 2,9% và công nghiệp chế biến giảm 3,3%... Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thổi bay khoảng một nửa số dự trữ ngoại tệ và vàng của Nga. Song, nền kinh tế Nga đã vững vàng trước sóng gió. Sự kiên cường này đến từ hàng loạt các biện pháp ứng phó hiệu quả trước làn sóng trừng phạt.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Nga tăng hơn gấp đôi lãi suất (lên 20%) nhằm hạn chế dòng tiền ra khỏi đất nước; đóng cửa giao dịch chứng khoán trên Sàn giao dịch Mátxcơva và nới lỏng các quy định đối với các ngân hàng, kiềm chế các khoản vay. Chính phủ tăng chi tiêu xã hội hỗ trợ các hộ gia đình và các khoản vay cho doanh nghiệp bị tổn thương bởi các lệnh trừng phạt. Nga cũng thành công khi chuyển hướng nguồn cung dầu xuất khẩu sang các nước châu Á và có được tăng trưởng xuất khẩu, thu ngân sách từ dầu khí trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao.
Tuy nhiên, những thách thức thực sự vẫn nằm ở phía trước. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Nga có thể xấu đi. Lý do trước tiên là nếu chiến dịch quân sự tại Ukraine kéo dài, nhiều quốc gia và công ty sẽ tìm cách chấm dứt vĩnh viễn mối quan hệ với Nga. Thứ hai, các doanh nghiệp nội địa sẽ ngày càng gặp khó khăn khi mua vật tư, thiết bị máy móc do phương Tây sản xuất. Thứ ba, sự phụ thuộc của phương Tây vào khí đốt tự nhiên của Nga giảm dần, trong bối cảnh các nước Lục địa già nỗ lực tìm nguồn thay thế. Trong tuần cuối tháng 6-2022, tổng nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga đã giảm 65% so với cùng kỳ năm 2021. Một số ý kiến cũng cho rằng, vấn đề chuỗi cung ứng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt cố gắng thay đổi nguồn cung để bổ sung kho dự trữ hàng hóa.
Trong bối cảnh như vậy, Ngân hàng Trung ương Nga thừa nhận môi trường kinh tế còn nhiều thách thức, dự báo nền kinh tế có thể giảm 4% đến 6% trong năm nay, là mức khớp với dự báo từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ngân hàng này cũng cho biết, nền kinh tế không trở lại tăng trưởng ít nhất là đến năm 2025, còn lạm phát sẽ ở mức 12% đến 15% vào cuối năm nay. Để ứng phó trước mắt, nhà kinh tế trưởng về Nga tại Ngân hàng ING (Hà Lan) Dmitry Dolgin cho rằng, Nga cần tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thương mại và tài chính. Đây cũng là cách tiếp cận phù hợp để tiếp sức cho nền kinh tế trong dài hạn.
Có thể thấy, nền kinh tế Nga đã phản ứng nhanh chóng và phù hợp với các diễn biến phức tạp thời gian qua, vì vậy hạn chế được tối đa thiệt hại và duy trì ổn định, bảo đảm đời sống cho người dân; tạo dựng được nền tảng vững chắc nhằm ứng phó với thách thức trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.