(HNM) - Trong những ngày qua, vụ việc khoảng 600 người Việt Nam bị bắt và tạm giữ tại khu lều trại ở Golyanovo phía đông Mátxcơva đã trở thành vấn đề được dư luận quan tâm đặc biệt.
Để cung cấp thêm thông tin liên quan cũng như quá trình giải quyết sự vụ, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Gennady Bezdetko, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Nga tại Việt Nam.
- Hiện nay, việc giải quyết hồi hương những người Việt Nam đang bị tạm giữ đang được triển khai. Ông có thể cho biết quá trình này sẽ diễn ra trong bao lâu và còn những khó khăn gì khiến việc tạm giữ bị kéo dài?
- Một lần nữa tôi xin khẳng định mục đích chủ yếu của chiến dịch này là nhằm xóa bỏ tình trạng nhập cư bất hợp pháp nói chung chứ không nhằm vào riêng người Việt Nam. Vì những năm gần đây, vi phạm trong lĩnh vực di cư đang có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Nga và Việt Nam đã thống nhất cùng nhau giải quyết vụ việc nhanh chóng, tuân thủ luật pháp Nga và trên tinh thần hữu nghị mà không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ truyền thống lâu bền giữa hai nước. Cho đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Mátxcơva đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan Nga như Cục Di trú, Sở Nội vụ, Bộ Ngoại giao… để xác nhận nhân thân và hoàn tất thủ tục hồi hương cho công dân. Sau khi hoàn tất các thủ tục giấy tờ, Nga cố gắng đưa những lao động này về nước sớm nhất, dự kiến là đến cuối tháng 8 này. Sau đợt 31 lao động Việt Nam được trở về vào ngày 10-8, ngày 15-8 phía Nga đã tiến hành các thủ tục để đưa 24 người Việt Nam tiếp theo về quê hương. Khó khăn nhất hiện nay là nhiều công dân Việt Nam bị giữ tại trại ở Golyanovo không có giấy tờ tùy thân. Điều này khiến việc xác định nhân thân của những người bị tạm giữ dựa trên nguồn tư liệu của Cục Di trú Nga gặp khó khăn. Nga rất mong muốn những trợ giúp có hiệu quả tối đa từ phía Việt Nam để giải quyết giấy tờ cần thiết phục vụ cho việc trở về của các công dân Việt Nam.
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko. |
- Đã có một số ý kiến cho rằng điều kiện sinh hoạt cho những người nhập cư bất hợp pháp bị tạm giữ ở trong trại Golyanovo là không bảo đảm. Ông có quan điểm như thế nào về việc này?
- Cho đến thời điểm này, chính quyền Nga đã làm tất cả những gì có thể để cải thiện điều kiện ăn ở trong khu lều trại ở Golyanovo. Với những lao động Việt Nam thì điều kiện ở đây tốt hơn rất nhiều so với những gì họ đã trải qua ở các xưởng may bất hợp pháp. Ngay cả họ cũng phải công nhận điều này. Hiện tại, cơ quan chức năng Nga đang xem xét khả năng chuyển những người còn lại tới các địa điểm tạm trú cố định.
- Theo ông, tại sao có rất nhiều xưởng may bất hợp pháp có thể tồn tại được ở Nga mà ít bị phát hiện trong thời gian dài?
- Có rất nhiều lý do các xưởng may tồn tại mà ít bị phát hiện. Thứ nhất ở Nga có nhiều khu công nghiệp cũ không hoạt động nhiều năm qua, sau đó đã được thuê lại và sử dụng với mục đích bất hợp pháp. Thứ hai vì mục đích lợi nhuận, những xưởng may này đã bất chấp pháp luật, tổ chức đưa người nhập cư lậu vào làm việc với giá nhân công thấp, tránh phải nộp thuế để tung ra thị trường những mặt hàng giá rẻ, hàng nhái nhằm cạnh tranh với sản phẩm của nhiều xưởng may làm ăn hợp pháp khác. Qua kiểm tra, hầu hết những người bị tạm giữ trên giấy tờ vào Nga đều vì mục đích du lịch, tuy nhiên thực tế lại là đi lao động. Thứ ba là do sự quản lý lỏng lẻo ở cấp địa phương. Kể từ khi Chính phủ Nga kiên quyết truy quét nạn nhập cư bất hợp pháp, nhiều quan chức của cơ quan Nội vụ liên quan tới vấn đề này đã bị cách chức.
- Vậy theo ông, vụ việc vừa qua có ảnh hưởng tới những lao động Việt Nam đang và sẽ có ý định sang làm việc tại Nga không?
Trong suy nghĩ của người Nga, Việt Nam luôn là một dân tộc anh hùng. Trong thời gian qua, quan hệ Nga - Việt liên tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị... Tôi khẳng định vụ việc không ảnh hưởng tiêu cực tới tình hữu nghị giữa hai nước vì chúng tôi rất hiểu, những lao động người Việt chủ yếu đều từ các vùng nông thôn. Họ sang Nga với hy vọng kiếm tiền để duy trì cuộc sống và nuôi người thân. Chúng tôi không hạn chế công dân Việt Nam sang lao động tại Nga, song họ cần phải đi bằng con đường hợp pháp.
- Trong thời gian tới, Nga và Việt Nam sẽ phối hợp như thế nào để giải quyết tình trạng người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp tại Nga?
- Hiện tại, Việt Nam và Nga đã ký hiệp định liên chính phủ về hợp tác đấu tranh chống di dân bất hợp pháp năm 2008. Dự kiến, trong quý IV này sẽ có phiên họp của nhóm hỗn hợp song phương về cơ chế đấu tranh chống di cư bất hợp pháp. Cơ chế này cần phải bắt đầu hoạt động trong thời gian sớm nhất. Lập trường của Nga là các chiến dịch chống người di cư bất hợp pháp vào Nga không nên gây ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Ngược lại, hai bên phải phân tích kỹ những vấn đề đã tồn tại và nảy sinh để có những biện pháp xử lý cụ thể và hữu hiệu, cũng như đề phòng những vấn đề này xuất hiện trở lại trong tương lai. Chúng tôi cũng hy vọng, Việt Nam sẽ có những chính sách tuyên truyền phù hợp để các công dân không bị lừa vào các đường dây đưa người đi lao động bất hợp pháp.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.