Sức khỏe

Người Việt tiêu thụ đồ uống có đường “vượt ngưỡng” an toàn

Bảo Ngọc 25/11/2024 - 06:58

Mức tiêu thụ đồ uống có đường của người Việt Nam đã tăng nhanh kỷ lục trong 15 năm qua. Đáng lo ngại, việc tiêu thụ đồ uống có đường “vượt ngưỡng” an toàn cho sức khỏe đang kéo theo nhiều gánh nặng bệnh tật như thừa cân, béo phì, đái tháo đường “trẻ hóa”.

duong.jpg
Người Việt tiêu thụ đường nhiều gấp đôi khuyến cáo.

Tiêu thụ đồ uống có đường của người Việt tăng rất nhanh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga; nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ; chất cô đặc dạng bột và lỏng; nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn; và đồ uống sữa có pha chế hương liệu. Trong nhịp sống hiện đại, các loại đồ uống có đường dễ dàng mang theo trong mọi chuyến đi chơi, hoạt động thể chất... dần trở thành đồ uống hằng ngày không thể thiếu đối với nhiều người.

Mới đây, một nghiên cứu của UNICEF về thói quen tiêu thụ và cảm nhận về tác động tới sức khỏe từ đồ uống có đường của thanh, thiếu niên Việt Nam cho thấy 43% thanh, thiếu niên uống đồ uống có đường trên 2 lần/tuần; 13,5% uống gần như hằng ngày; phỏng vấn thanh niên cho thấy có tới trên 20% bạn trẻ uống 2 lon/chai/cốc trở lên mỗi lần sử dụng đồ uống có đường.

Không ít người trẻ có thói quen bắt đầu buổi sáng đến công sở với cốc cà phê pha sẵn hoặc sữa pha chế dù có thể bỏ qua bữa sáng; bữa xế giữa chiều có thể uống thêm ly trà sữa, nước ngọt có ga, hoặc nước ép hoa quả đóng chai... để “nạp thêm” năng lượng. Trong tủ lạnh các gia đình ngày nay không thiếu các loại đồ uống có đường để từ người lớn cho đến trẻ nhỏ có thể thưởng thức bất cứ lúc nào.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết: Tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam tăng rất nhanh trong 15 năm qua. Cụ thể, tổng tiêu thụ nước ngọt đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009, lên 6,67 tỷ lít năm 2023 (tăng hơn 4 lần). Đặc biệt, mức tăng rất nhanh trong giai đoạn 2009 - 2014 (20%/năm). Mức tăng trung bình khoảng 7%/năm ở giai đoạn 2015 - 2023 (trừ 2 năm Covid-19). Mức tiêu thụ theo đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18,5 lít/người năm 2009, lên thành 66,5 lít/người năm 2023 (tăng ở mức 350%).

Còn theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, trung bình người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/người/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/người/ngày) theo khuyến cáo của WHO và cao gần gấp đôi so với mức có lợi cho sức khỏe là dưới 25g/người/ngày (cho một người trưởng thành có khẩu phần 2000Kcal/ngày).

Hệ lụy với bệnh lý thừa cân, béo phì, đái tháo đường type 2

Nói về mối nguy hại của đồ uống có đường, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ: “Tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no. Đồ uống có đường gây tác hại rất lớn đến sức khỏe như thừa cân béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư...”. Theo WHO hiện trên thế giới có 6,5 triệu người béo phì cần điều trị, số tiền điều trị cho béo phì rất lớn. Tỉ lệ tử vong liên quan tới béo phì gấp 2 lần tỉ lệ tử vong của ung thư vú và đại trực tràng cộng lại.

Tại Việt Nam, tỉ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc mới nhất (2017 - 2020) do Bộ Y tế công bố năm 2021 cho thấy tỉ lệ thừa cân và béo phì tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỉ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỉ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại thành phố Hồ Chí Minh đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Không chỉ gây thừa cân, béo phì, đồ uống có đường còn làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa như gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2; gia tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp, bệnh tim mạch; gia tăng nguy cơ bị gout...

Đồng thời, đồ uống có đường cũng là nguyên nhân chính gây ra sâu răng và các bệnh về răng. Nghiên cứu về tình trạng sâu răng vĩnh viễn ở trẻ em Việt Nam tại 17 tỉnh cho thấy: 20,9% trẻ từ 6 - 8 tuổi; 34,4% trẻ từ 9 - 11 tuổi, 43,7% trẻ từ 12 - 14 tuổi; 36,3% trẻ từ 15 - 17 tuổi bị sâu răng vĩnh viễn. Nguy cơ sâu răng ở trẻ em sẽ tăng 22% nếu trẻ tiêu thụ đồ uống có đường hằng ngày, cùng đó, tiêu thụ nước ngọt có liên quan đến gia tăng khoảng 2,4 lần xói mòn răng bởi độ pH thấp và lượng đường cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người Việt tiêu thụ đồ uống có đường “vượt ngưỡng” an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.