(HNM) - Sau nhiều năm mở cửa mà điện ảnh nhà nước và tư nhân vẫn loay hoay tìm đường, nguyên nhân là...
Điện ảnh nước nhà thời chiến tranh và thời kỳ bao cấp được coi là phương tiện tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các xưởng phim quốc doanh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đó. Bây giờ nhiệm vụ này được san bớt cho phim truyền hình nên họ có phần nhẹ gánh. Tuy nhiên, phim nhà nước đặt hàng thì tuyên truyền vẫn là hàng đầu song vẫn mong nó hay và hấp dẫn, bởi có thế mới thu hút được khán giả và đông khán giả thì tuyên truyền mới có hiệu quả. Song lạ thay cơ quan thực thi lại triển khai theo cách của họ, nghĩa là họ lấy đúng làm đầu (chắc chắn là phải đúng rồi) chứ không phải lấy cái hay, cái hấp dẫn làm đầu. Vì thế họ chọn kịch bản đáp ứng cái đúng và không cần cái hay. Kịch bản hay là phim thành công một nửa, nhưng do không chọn kịch bản hay nên đạo diễn có giỏi thì chất lượng cũng chỉ nhàng nhàng. Kết quả là phim làm ra chỉ chiếu được vài buổi rồi phải cất vào kho. Hậu quả là nhà nước mất tiền mà không thu được gì. Có thể kể ra rất nhiều phim "dở giăng, dở đèn". Thế nhưng các hãng phim nhà nước và rất nhiều nhà hoạt động điện ảnh quốc doanh không chấp nhận phim giải trí, họ cho rằng đó là thứ điện ảnh "rẻ tiền"(?), thậm chí có đạo diễn đã không nhận giải thưởng cùng với đạo diễn làm phim giải trí trong một lần trao giải hằng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Ngược lại, các hãng phim tư nhân chỉ làm phim giải trí. Các đề tài họ nhắm vào là tình yêu tay ba, đồng tính, tâm lý hài... Dù không chắc chắn mang lại doanh thu cao song ít nhất cũng bảo đảm lỗ ở mức thấp nhất (?). Mới đây, chỉ hơn một tháng phát hành, dù không vào dịp Tết, phim "Long ruồi" thu về 42 tỷ đồng. Nhưng cách chọn đề tài, kịch bản của các hãng tư nhân xem ra có phần cực đoan. Thực tế là, đâu phải chỉ có phim giải trí mới mang lại doanh thu cao, nếu phim có giá trị nghệ thuật vẫn thu hút đông khán giả.
Nền điện ảnh của một quốc gia không nệ vào phim nghệ thuật hay phim giải trí, nó phụ thuộc vào chuyện phim đó có được khán giả trong nước và thế giới chấp nhận hay không. Câu trả lời cho câu hỏi bao giờ điện ảnh Việt Nam có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới phụ thuộc vào sự thay đổi quan niệm của điện ảnh nhà nước và điện ảnh tư nhân. Còn nếu không thay đổi quan niệm thì...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.