Kinh tế

Nếu không có chính sách hữu hiệu, nguy cơ người dân bỏ ruộng sẽ cao

Đình Hiệp 15/08/2023 17:45

Nếu không có chính sách hữu hiệu, nguy cơ người dân bỏ đất, bỏ ruộng sẽ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

dai-bieu-chieu.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 15-8.

Thu nhập của người nông dân vẫn bấp bênh

Chiều 15-8, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ người dân sinh sống, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cao, song thu nhập bình quân thấp, bấp bênh, nhất là những vùng thuần nông. Từ thực tế này đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết quan điểm và các giải pháp của Bộ trưởng để khắc phục vấn đề này?

ly-tiet-hanh-chieu.jpg
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, theo số liệu thống kê thì tỷ lệ người dân nông thôn là 27%, nghĩa là trong suốt quá trình vừa qua đã kéo giảm khu vực nông nghiệp và giảm tỷ trọng người dân làm nông nghiệp. Tuy nhiên, cư dân ở nông thôn khoảng 65%, tức là ở nông thôn bao gồm cán bộ, công chức và những người hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp và nông thôn cũng rất là lớn.

“Cần có những giải pháp không chỉ cho những người nông dân trực tiếp và những người lao động ở khu vực nông nghiệp, tính toán hài hòa cả người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và những người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Theo đó đảm bảo là người người dân vẫn còn giữ đất nhưng trong thời gian không sử dụng thì có cách để quỹ đất đó tạo ra của cải, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

viet-nga-chieu.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) chất vấn.

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân làm ra lúa gạo vẫn có cuộc sống khó khăn, nghĩa là cây lúa không mang lại nhiều lợi nhuận cho người sản xuất. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của nghịch lý này và các giải pháp trong thời gian tới?

bo-truong-le-minh-hoan.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn các đại biểu.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người nông dân là điều được Bộ hết sức quan tâm, trong đó việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí. Theo tính toán, thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 đến 25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác, “ba tăng, ba giảm”, tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, tiết kiệm giống, tiết kiệm thuốc. Chính những chi phí giảm xuống này là thành quả giúp gia tăng thu nhập cho người dân.

Bộ trưởng cho rằng, chúng ta đang lo ngại giá cao hơn nữa, có thể làm rối loạn ngành, gây thiếu bền vững. Nếu người nông dân nuôi trồng gì chỉ hưởng thu nhập từ sản phẩm đó, thì chưa đúng tinh thần Nghị quyết 19, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp, đa giá trị, tạo ra nhiều ngành nghề khác, không gian trồng lúa, thời gian trồng lúa có thể lồng ghép, tạo ra nhiều không gian, thời gian cho các ngành nghề khác. Nếu chúng ta tận dụng tốt quỹ không gian, thời gian đó, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo những nghề nghiệp ở nông thôn, thì người nông dân không chỉ hưởng từ thành quả cây lúa, mà có nhiều nguồn thu nhập khác.

Làm rõ nội dung về quy hoạch đất trồng lúa

le-thanh-hoan-chieu.jpg
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) chất vấn.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị Bộ trưởng làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác để người dân yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam thời gian tới.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cách đây 10 năm thì quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu hecta. Hiện tại theo số liệu thống kê đất lúa còn 3,93 triệu hecta. Theo Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ là chúng ta sử dụng linh hoạt 5 triệu hecta đất lúa. Bộ trưởng làm rõ, linh hoạt ở đây có nghĩa là để đảm bảo an ninh lương thực và để sự phát triển kinh tế - xã hội thì cũng phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.

bo-truong-2.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hiện tại theo số liệu thống kê, đất lúa còn 3,93 triệu hecta.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, về quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Tại các các địa phương cũng đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, xác định rõ phân khu vực dành cho đất nông nghiệp. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, bao nhiêu người nông dân trên đất lúa đó, rồi một chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, những con người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó… Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.

hung-thang-ha-nam.jpg
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) chất vấn.

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) cho biết, hiện nay việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa còn hạn chế; kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc; chi phí logistics còn cao; việc đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực phát triển ngành nông nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đây là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường.

Theo Bộ trưởng nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó mà phát triển ngành logistics; cũng như không thể nào số hóa bởi chỉ khi vào chuỗi, chỉ khi nào hợp tác xã đủ mạnh thì mới bắt đầu tiến hành số hóa. Nếu không tham gia chuỗi thì cũng không biết sẽ đưa khoa học công nghệ vào đầu nào là hợp lý nhất và giá trị lan tỏa nhiều nhất. Do đó, Bộ sẽ kiên trì cùng với các địa phương để xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn; đồng thời cùng với các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để tác động chuỗi phát triển bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nếu không có chính sách hữu hiệu, nguy cơ người dân bỏ ruộng sẽ cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.